Ngày trước, ở đất nước ta, ông bà  thường nói: "An Cư, lạc nghiệp” để nhắc nhở con cháu rằng thì là phải có một căn nhà tươm tất rồi kế đến là phải có một việc làm ổn định thì mới có được đời sống tốt đẹp.  Thuở đó, đất rộng người thưa thì chuyện để có một căn nhà không mấy khó. Cây nhà lá vườn và chỉ cần hô lên một tiếng là bà con hàng xóm cùng hùa nhau một cái rụp là có một mái nhà sống  qua ngày qua tháng. Ngày nay thì mọi chuyện đã thay đổi. Không phải chỉ ở xứ  Hoa kỳ nầy mà chắc ở quê nhà bên kia cũng vậy, phải lạc nghiệp rồi mới an cư. Phải có việc làm ổn định rồi mới tính chuyện mua nhà. Đó là điều kiện ắt có và đủ. Nếu không có tín chỉ tốt và nếu không có nghề ngỗng thì đừng hòng. Mà tìm cho được một căn nhà vừa ý, vừa túi tiền, không phải dễ. Biết bao là bao nhiêu chuyện phải làm. Việc đầu tiên là tìm cho được một chuyên viên địa ốc có kinh nghiệm và nhất là phải chân thật. Rồi tìm nhà. Rồi coi nhà. Trả giá. Rồi lo thủ tục giấy tờ. Nào là giấy chứng minh lợi tức, tài chánh, thuế má… và một số giấy tờ khác để xin mượn tiền nhà băng. Sau cùng là thủ tục nhận nhà. Đến khi nhận được chìa khóa trong tay mới thở một hơi dài nhẹ nhỏm. Cái nhà là nhà của ta.

 

Vợ chồng chúng tôi sau những năm dài làm việc vất vả cộng với những cần kiệm phải có, mới mua được căn nhà vừa ý. Sau một tuần lễ bơ phờ vì di chuyển, lo sắp xếp đồ đạc, vợ chồng chúng tôi mới có dịp chiêm ngưỡng trước sau. Nhìn sân sau một hồi, bà xã mới nhỏ nhẹ lên tiếng:

-Sân sau cũng hơi rộng. Mình cắt cỏ, dù một tuần một lần, chắc cũng mệt lắm.

Tôi nghe mà hãi lắm. Đâu ai biết tánh vợ mình bằng mình. Bởi vì sau cái câu đầy tình cảm, đầy chăm sóc đó là những tai họa sắp đổ xuống đời tôi.

- Để cỏ mọc đầy sân, tiếc quá phải không mình? Tôi muốn biến sân sau của mình thành một khu vườn Việt Nam. Chổ nầy mình sẽ trồng bầu, trồng bí. Chổ kia mình sẽ trồng đủ loại rau sống: hành, hẹ, quế, húng cây, húng lủi, rau răm, ớt và mấy thứ khác nữa.

Không đợi tôi trả lời, bà chỉ tay, nói tiếp:

- Bắt đầu thứ bảy, chủ nhật tới, ở góc đó, anh vẩy hết cỏ lên. Mua cây về đóng dàn. Nhớ mua phân nửa nhen. Mình sẽ trồng mướp với bí chổ đó.

Tôi nghe nghèn nghẹn ở cổ họng. Lệnh của bà mà làm sao dám cải. Thôi hết rồi những trận football hấp dẫn. Lao động là vinh quang, lang thang là bà xã dũa. Tưởng rằng khi có được căn nhà là mình sẽ được tận hưởng những giây phúc thần tiên nhất trong đời. Nằm dài trên sa lông với một chai bia lạnh, theo dõi những trận cầu hồi hộp, gây cấn. Nhưng…

Rồi cũng xong, cũng qua. Hên quá. Hết nợ. Nhưng không. Lệnh trên lại truyền tiếp:

-Mình sẽ trồng rau sống ở đó. Mình phụ em nhen. Mua thêm phân. Phân lần trước mình bón hết rồi.

-Tuân lịnh bà xã.

Ngoài mặt thì ra vẻ hớn hở nhưng trong lòng thì, "phải chi cứ ở nhà mướn thì thân nầy đâu phải…"

Mai rồi đời mình cũng qua. Mọi chuyện tạm ổn. Tôi nói tạm ổn bởi vì không biết ngày sau sẽ ra sao. Thôi thì hưởng được ngày nào hay ngày đó. Nhìn ra sân sau bây giờ cũng có lý lắm. Cũng ra vẻ khu vườn Việt Nam lắm. Bỗng một ngày đẹp trời, bà xã lại thủ thỉ:

- Mình ơi, sao tôi thèm nghe tiếng gà gáy quá. Mình cứ tưởng tượng coi mỗi sáng thức dậy mà nghe tiếng gà gáy có phải là hạnh phúc lắm không?

Tôi vội bàn ra:

- Mình đâu được phép nuôi gà.

- Được mà. Tôi thấy bọn Mễ hàng xóm nuôi gà, có sao đâu.

Nói là làm. Bà xã ra lịnh tiếp:

- Mình mua cây về làm chuồng cho tôi. Chổ đó đó. Nhớ mua lưới B40 về làm rào chung quanh để gà khỏi phá vườn rau .

Thôi hết rồi người bạn tình ơi. Hôm nay bà muốn nuôi gà. Gà bao nhiêu móng, tôi sầu bấy nhiêu (nhái theo bản nhạc vàng). Thật tình mà nói, tôi hoài nghi chuyện nuôi gà này lắm:

- Rồi gà con đâu bà có? Còn thuốc chích ngừa, rồi thực phẩm cho gà, bà tìm đâu ra?

- Ông khỏi phải lo mấy cái chuyện đó. Đã bảo làm chuồng thì cứ làm chuồng cho tôi. Đừng hỏi nhiều. Trước kia ông học Nông Lâm Súc phải không? Mà lại học Mục Súc nữa, chắc ông nuôi gà giỏi lắm?

- Ừ thì nuôi gà ở Việt Nam thôi, chứ làm sao tôi biết nuôi gà ở cái xứ sở nầy.

Chuồng trại đóng xong. Một buổi sáng chủ nhật, bà bảo tôi chở xuống khu Saigon nhỏ, tới lò hột vịt lộn Long An. Tôi ngồi ngoài xe đợi. Không biết bà làm gì, nói gì mà khi trở ra xe, tôi thấy trên tay của bà một vĩ 12 trứng gà lộn. Về đến nhà là bà lập tức bắt tay vào công tác nuôi gà tại gia. Chọn một góc khuất trong nhà, bà lấy cái thùng giấy cứng lót giấy báo chung quanh, rồi sắp xếp những quả trứng vào trong. Rồi bà ra lệnh cho tôi bắt một bóng đèn đặt phía trên để cung cấp hơi nóng ấp trứng. Bỗng một đêm gần sáng, đang mơ màng nửa thức nửa tỉnh thì tôi nghe tiếng chip chip từ góc nhà. Lại gần coi chuyện gì thì tôi thấy hai cái trứng đã vỡ ra và hai cái đầu nho nhỏ lú ra. Tôi vội đánh thức bà xã dậy. Hai vợ chồng cùng ngẩn ngơ trước những giây phút tuyệt diệu. Lần lượt những cái đầu khác ló ra cùng với những tiếng kêu chip chip như một ban đại hòa tấu vừa trỗi lên bản nhạc đón chào buổi bình minh nắng ấm. Cả 12 con đủ. Bà xã nhẹ nhàng làm vệ sinh từng con một. Thay giấy báo lót rồi đặt chúng trở lại. Suốt tuần lễ đầu, bà nhỏ từng giọt sữa ấm vào những chiếc mỏ xinh xắn. Một hôm bà ra lệnh cho tôi:

- Đi mua thực phẩm cho gà ăn nhanh lên.

- Tôi biết mua ở đâu?

- Thì coi chổ nào bán thì mua. Hay là ông ra chổ bán chim cá mà mua thực phẩm cho chim cũng được. Chim gà gì chắc cũng như nhau.

 

Những chú gà lớn dần theo ngày tháng và bắt đầu cho trứng. Những quả trứng cồ thì bà xã giữ lại tạo giống. Còn những quả trứng thường thì tiêu thụ. Nhiều quá, ăn không hết phải nhờ bạn bè ăn phụ. Đàn gà càng ngày càng gia tăng dân số. Khổ một nỗi bà xã là một phật tử thuần khiết nên không cho xẻ thịt. Bà tin tưởng vào luật nhân quả, cấm sát sanh. Chẵng những bà không đụng đến những con gà quí hiếm của bà mà bà còn ra lịnh nghiêm cấm tôi có những ý nghĩ, những hành động tổn thương đến đàn gà của bà. Chưa hết bà còn đưa ra tối hậu thơ nếu mà tôi vi phạm lịnh trên thì coi như là – ông đường ông, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi mình chỉ thế thôi. Lâu lâu bà còn nhắc nhở:

-Ông mà quờ quạng là chết với tôi. Tôi đếm kỹ rồi. Mất một con là đời ông đi đong.

Tôi đưa ý kiến:

-Mình không ăn thịt thì cho tụi bạn tôi nuôi phụ…

Tôi chưa dứt lời thì đã nghe câu gạt ngang:

-Tôi biết nhóm bạn của ông quá mà. Làm gì có chuyện nuôi gà. Làm thịt gà nhậu thì có.

 

Không có cầu, chỉ có cung. Dân số gà càng ngày càng tăng. Rồi một ngày - một ngày u ám - chúng tôi nhận một lá thư không mong đợi từ cơ quan bảo vệ thú vật báo cho biết là dân cư quanh vùng khiếu nại là họ không ngủ thẳng giấc vì cứ mỗi sáng sớm là họ bị đánh thức bởi tiếng gáy của đàn gà vài chục con có lẽ. Chúng tôi có mười ngày để giải quyết vấn nạn đàn gà. Bà xã bắt đầu liên lạc, năn nĩ bạn bè thân thuộc mang về nuôi (hay ăn!) từng cặp một. Có một ông bạn đến tận nhà:

-Chị tin tôi đi. Tôi sẽ thay chị chăm sóc đàn gà. Nhà tôi ở ngoại ô, vùng quê, nên không trở ngại gì. Tôi cũng thích tiếng gà gáy mỗi sáng lắm.

Bà xã nghe vậy cũng thấy an ủi phần nào bèn giao cho 12 con cả trống lẫn mái.

Nhưng nghe vậy mà không phải vậy. Chỉ một tuần sau thôi, thằng bạn trời đánh đó đã réo tôi:

-Thế, chủ nhật này xuống tao. Mình xem football rồi nhậu lai rai. Tao có món gỏi gà, cháo gà ngon bá cháy. Nhớ đi một mình. Đừng đem bà xã mầy theo. Bả mà theo mầy là tao chết…

 

Mấy tuần lễ sau đó bà xã buồn lắm. Tôi biết bà tương tư tiếng gà gáy mỗi sáng. Tôi cũng vậy. Lúc nhận được lá thư oan nghiệt, tôi tưởng là mình đã được giải thoát, khỏi phải chăm lo thức ăn thức uống, khỏi phải vệ sinh chuồng trại. Từ nay tôi sẽ thanh thản mà xem những trận banh mỗi cuối tuần, không cần phải nghe bà réo… ông ơi ra cho gà ăn… Nhưng không phải vậy. Thấy bà buồn, tôi cũng buồn lây. Nhìn ra sân như có cái gì thiêu thiếu, như có cái gì đìu hiu hoang lặng.

Rồi đây đâu còn tiếng gà gáy mỗi sáng… chắc là yên tĩnh lắm!!!

 
Phạm Văn Thế (MS-K2)