alt
 
Mấy lời tao ngộ:
 
    Thật tình cờ tôi tìm được Web side của các bạn. Tôi không ngờ các bạn đã dựng được một mãnh đất cho tất cả những chiếc áo nâu và Thầy Cô cùng chung một mái trường thân thương có một nơi để cùng nhau sinh hoạt, chia sẻ. Tôi thành thật vinh danh các bạn.
    Tôi là một đứa con hoang. Hôm nay tôi mong được trở về với chiếc áo nâu ngày xưa, với đại gia đình NLS. Mong các bạn đón tiếp.
    Tôi tên là Phạm văn Thế MS K2 (69-72). Hiện cư ngụ tại Northridge, CA.
    Kèm theo đây là đoản văn ra mắt.
    Thân ái chào các bạn,
Phạm văn Thế (MS k2)  This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
 

Bây giờ thì tôi đang đứng đây. Đứng trước cổng trường xưa sau hơn ba mươi năm xa cách. Cổng trường thì cũng vẫn vậy. Duy chỉ có nhiều dấu vết loang lổ theo tàn phá của thời gian. Màu sơn thì cũng đã nhạt nhòa có lẽ đã lâu rồi không người chăm sóc. Cổng trường vẫn vậy nhưng tên trường đã thay đổi. Tôi đứng đó chắc lâu lắm để cho những xúc động lắng xuống.

Bước thật chậm trên con đường đất đỏ - Hoàng Hoa Lộ. Bên trái là lớp học của tôi ngày xưa – lớp Mục Súc ở dưới lầu. Trên lầu là lớp Canh Nông. Dãy phía sau lớp Công Thôn. Bên phải là Văn Phòng và cũng là nơi làm việc của Thầy Giám Học cùng Thầy Hiệu Trưởng.

- Ê, có anh chàng đẹp trai đang tìm mầy đó.

- Anh chàng Việt Kiều mầy ơi. Đang tìm tao đấy.

Sau tiếng cười nói xôn xao, thì một đám con gái xuất hiện. Họ bình thản vô tư và mạnh dạn không như những cô bạn học áo nâu ngày xưa.

- Anh tìm ai?

Tôi mĩm cười độ lượng

- Chú là học sinh cũ. Chỉ về thăm lại trường xưa.

Bây giờ thì bọn họ bớt ngỗ ngáo hơn

- Chú cần hướng dẫn viên không? Bọn cháu có thể giúp gì cho Chú?

- Không cần đâu. Chú cảm ơn. Để Chú viếng một mình được rồi.

Các cô tản hết. Bây giờ thì tôi mới để ý. Lớp Công Thôn đã trở thành ký túc xá. Quần áo phơi đầy trước sân. Tôi lắc đầu ngao ngán – Ôi còn đâu ngày xưa!

Hôm nay ngày Chủ Nhật nên ngôi trường thật yên tĩnh nhưng trong lòng tôi vẫn có những ngọn sóng ầm ĩ. Những ngọn sóng dĩ vãng như đưa tôi lên cao rồi kéo tôi xuống thấp theo những ngày tháng xưa thân ái. Những mộng ước tương lai và những hụt hẫng hiện tại. Những vui vẻ hồn nhiên và những ưu tư cuả thời mới lớn. Tôi bước vào lớp học và ngồi vào chỗ mà tôi đã ngồi hơn ba mươi năm trước – phía trái cuối lớp. Ngồi bên cạnh là thằng bạn thân - rất thân - Nguyễn Trí Dũng. Nó thành thật và chịu khó. Nó chăm chỉ và cần mẫn. Không như tôi - một thằng lè phè, giản dị đến độ thành lập dị. Ở tôi, chỉ có sự ngay thẳng, không gian dối – dám nói ra những điều mình nghĩ. Chính vì vậy mà cuộc đời tôi đã phải ba chìm bảy nổi. Nhà nó ở Phú Nhuận. Nhà tôi bên Khánh Hội. Cứ mỗi chiều thứ bảy, sau giờ tan học cuối tuần nó lại đèo tôi về Saigon đến tòa soạn vài tờ báo để lãnh tiền nhuận bút từ những bài tôi viết. Thời đó tôi cũng viết lách chút đỉnh. Rồi hai thằng lại rủ nhau vào rạp Vỉnh Lợi để xem phim cao bồì Mỹ cởi ngựa bắn súng. Hôm nào không có phim hay thì bọn tôi ghé vào thạch chè Hiển Khánh ở Dakao. Xong chầu, nó đưa tôi ra bến xe lam Saigon để tôi về Khánh Hội. Sáng sớm thứ hai, nó đón tôi tại ngã tư Phú Nhuận để về lại trường. Tôi thì ở trọ ngay trong chợ Búng còn nó thì ngày hai buổi đi về với chiếc Honda cũ kỹ. Trong suốt ba năm gần gũi, tôi chưa bao giờ thấy nó cằn nhằn quạo quọ. Bây giờ tôi mới nhận chắc một điều – nó là người bạn thân nhất trong đời tôi.

Trước khi về thăm lại trường cũ, tôi có ghé qua Phú Nhuận để tìm nó. Tôi cố gắng để nhớ về căn nhà nó ở khi xưa – căn nhà mà nó đã chở tôi về ba lần hằng tuần trong ba năm. Tất cả đã thay đổi, thay đổi nhiều lắm. Nhà cửa khác xưa, phố xá nhộn nhịp, dân cư đông đúc, buôn bán tấp nập. Với trí nhớ càng ngày càng thu hẹp – tôi chịu thua. (Dũng - nếu mầy đọc được những dòng nầy – mong mầy liên lạc với tao).

Ở đó – phía bên phải đầu lớp – là chỗ ngồi của người con gái chợ Búng tóc dài đen mướt. Dáng dóc quê mùa mộc mạc đó đã làm cho thằng nhóc thành phố lao đao lốn khốn. Yêu em anh tập làm thơ. Vào ra thương nhớ ngẩn ngơ bóng nàng. Mỗi buổi sáng tôi thường ra đứng trên lan can nơi phòng trọ nhìn xuống con đường phía dưới. Bên kia là quán cơm xã hội. Xéo một góc là quán bánh bèo bì Ngọc Hương. Dòng người xuôi ngược tấp nập. Những chiếc áo trắng Trịnh Hoài Đức cùng những chiếc áo nâu Nông Lâm Súc tạo thành một bức tranh linh động khó tả. Tôi vươn đôi mắt để chờ đợi nàng đi qua rồi phóng xuống, rồi theo sau không nói gì. Rồi em tan trường về, tôi theo em về. Rồi ngày qua, rồi tháng qua, rồi năm qua. Ngày xưa em có vô tình, hay ta nhút nhát? Nên tình bơ vơ. Thời gian trôi đi – trôi đi. Tôi vẫn hằng mong nàng con gái xứ Búng một đời hạnh phúc, một gia đình êm ấm bên chồng bên con. Thôi hết rồi một thời áo nâu mơ mộng.

Trên kia, tấm bảng đen vẫn nằm ở đó. Chỗ cũ. Bục giảng phía dưới. Cũng chỗ cũ. Tôi còn thấy đâu đó hình bóng Thầy Cô đang đi đi lại lại trên bục giảng. Tôi còn nhớ một lần trong lúc giảng bài học về thức ăn gia súc, Thầy Ngọc Hiệu Trưởng đã thay thế Thầy Lộc dạy Việt văn lúc nào không hay. Tôi không nhớ loanh quanh thế nào mà Thầy Ngọc lại đem câu lục bát - Thân em như tấm lụa đào. Phất phơ trưóc gió biết vào tay ai  - ra bình giảng. Gần ba mươi phút, nghe Thầy hùng biện, tôi thích lắm. Tôi đã trúng tủ. Tôi say sưa với những ý tưởng giải phóng phụ nữ của Thầy. Các Chị phải biết tự quyết định đời mình. Các chị phải biết chắc nơi mà các chị muốn trao thân gởi phận chứ không phải các chị cứ để thiên hạ đưa mình đi đâu thì đi, đến đâu thì đến. Lỡ các chị rớt xuống nơi không ra gì thì sao? Thật không ngờ ở thế kỷ 20, trong một ngôi trường ở nơi tỉnh lẻ, đã có một người rao giảng những tư tưởng – giải phóng phụ nữ - nam nữ bình quyền trong khi ở nước Mỹ nầy phải đợi đến thế kỹ 21 mới có những chính khách đưa ra ý tưởng đó. Tôi đắc ý với những điều mình nghĩ.

Tôi đứng lên ngó chung quanh một lần nữa rồi lững thững rời ngôi trường thân yêu. Thôi từ biệt. Còn duyên thì sẽ còn gặp lại. Tôi hướng về chợ Búng với những bước chân vô hồn. Tôi cố tìm lại dấu chân xưa. Vô vọng. Ngày mai tôi sẽ về lại bên kia sống tiếp đời xa xứ!.

Chào Búng. Chào trường xưa…

Phạm Văn Thế

MS K2