Tuy cùng một nguồn gốc nhưng Bắc, Trung, Nam, đón Tết không ai giống ai. Tết trong Nam mộc mạc sơ sài, không như Tết miền Trung và miền Bắc.
Nhưng đã là "ăn Tết" theo đúng ý nghĩa của tục lệ ông bà để lại, thì đâu đâu cũng như nhau, dịp Tết để mừng đoàn tụ gia đình, tưởng niệm cúng vái tổ tiên đã khuất, thăm viếng bà con họ hàng, tình làng nghĩa xóm...
Chỉ có mỗi lần Tết đến, mới có dịp nhớ đến ngôi nhà đang ở, nơi mình đã sinh ra, quê hương mình đã lớn lên từ đó. Dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng mong sao sớm thu xếp công việc để về quê ăn Tết.
Đón Tết thì chuẩn bị công việc quét tước, dọn dẹp từ trên trang thờ đến bếp núc ông Táo cho chu đáo. Sơn phết lại nhà cửa,nhà nào có vườn, có sân thì đốn tre trồng nêu để nhắc lại cổ tục ngày xưa, nhà nào ở chợ, phố xá hẹp hòi thì cũng treo cờ trước cửa bay phất phới thấy cho vui, nhứt là phải có bộ lư đồng và cặp chưn đèn thau o bế chùi bóng loáng rất đẹp.
Muốn chùi lư cho bóng, phải có dầu bóng hoặc có khế chua đập giập lấy nước chua chấm với tro bếp thật mặn, cọ xát thật mạnh thì bao nhiêu ten rỉ cũng sạch. Ngày nay thì người ta dùng máy đánh bóng chùi lư, vừa nhanh vừa đẹp.
Lúc còn bé, sợ nạn chùi lư vì mỏi tay, vả lại mất dịp đi xin bánh và đi lượm pháo lép. Nay đã khôn già thì người lớn đã khuất hết, tiếc cho mình không còn cha mẹ để được bắt chùi lư!
Phong tục dán liễn Tết nay đã lui dần vào dĩ vãng. Thuở xưa nhà nhà, sang hay nghèo, nhà gỗ cột tre, nhà tranh vách đất, nhà gạch, nhà tường, ba ngày Xuân phải nhờ đôi liễn đỏ che cho cột gỗ bớt xấu xí và cũng vừa để khoe trong nhà còn hiếm kẻ đọc câu đối liễn bằng chữ Hán. Bây giờ thay đổi bằng tiếng Việt theo lối chân phương.
Tết đến thì trẻ em phải có áo quần mới mua ở chợ hay lựa hàng đặt may. Xưa muốn cắt áo phải tra lịch lựa ngày, và trẻ nít phải đợi đến Tết mới có dịp cha mẹ may cho bộ đồ mới.
Chiều ba mươi cúng rước vong ông bà quá vãng về sống chung ba ngày Xuân với con cái, nên phải thủ lễ, cấm nói tục tĩu ba ngày Tết và bớt rầy la con cháu khi lầm lỗi buổi đầu xuân, không được quét rác... ý tốt muốn giữ trong năm mới và suốt năm ăn nói thanh tao và trọn năm không xúi quảy.
Xưa kia ngày Tết là ngày tưởng niệm vong linh ông bà, con cháu qui tụ về nhà mừng nhau khỏe mạnh, chúc thọ ông bà... Ngày nay đã đổi khác, thừa dịp Tết người lớn tha hồ đi nghỉ mát, tình nhân đưa nhau đi du hí bãi biển hay lên non hứng gió, hoặc vui Xuân nơi xứ người... Bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên phó mặc cho Trời, nhang tàn hiu quạnh hoặc cúng quảy cho có lệ.
Tết cũng là dịp cho bọn buôn danh trục lợi, chợ đen chợ đỏ có dịp quà cáp cho nhau. Rượu Tây, rượu Mỹ, dollars phong bì... Sao bằng uống rượu đế gò đen, rượu đậu nành nước trắng trong khe, mùi thơm ngon ngọt, chén anh, chén em trong không khí gia đình và bao lì xì màu đỏ cho các cháu trong ba ngày Tết.
Cận Tết giã gạo làm bánh phồng dịp đầu Xuân và nấu bánh ít, bánh tét, bánh chưng bên bếp lửa bập bùng chiều cuối năm. Ngày nay muốn ăn thì ra các siêu thị làm sẵnmua về, còn đâu lửa reo vui, mắt thức canh nồi bánh chưng trong buổi gia đình đoàn tụ. Nhà nào cũng có nồi trứng thịt kho tàu, nồi canh khổ qua trong ba ngày Tết.
Tục lệ đầu năm đi xin xăm nơi đền, chùa, miếu thờ báo hại kiểng cây kiểng gốc trong đó trụi lũi lá cành. Xin lộc là một phong tục cổ kính, là niềm tin nhưng đừng để hoa tàn cây trơ cành đau xót.
Sáng mồng một thay nhau vái lạy ông bà, thăm bà con họ hàng và lối xóm. Ngoài ra cũng chúc nhau bằng cánh thiệp Xuân viết tay với câu chúc cổ truyền. Nay thì nhờ có máy vi tính, facebook chỉ cần nhấp con chuột... là thiệp chúc Tết, bông hoa gởi đến đầy nhà.
Việt Nam ngày nay càng tiến hóa bao nhiêu, càng đi xa dần và lãng quên những phong tục cũ. Có số người còn muốn xóa bỏ đi Tết truyền thống này. Người Việt ta vì quá đua đòi chạy theo cái mới lấy cái Tết Dương Lịch làm lớn và thuần phong cổ tục về Tết Âm lịch đã mất lần hồi. Tục thờ kính Ông Bà Tổ Tiên đã xem nhẹ hơn xưa và lễ Tết là lễ nhớ người chết đã trở thành ngày xả hơi vui chơi của người sống. Chúng ta có thể giản dị hóa phần nào những gì phiền phức rườm rà, nhưng không nên để cho mất ý nghĩa cái Tết cổ truyền của một xứ lấy việc nông nghiệp làm gốc, ăn chơi vui sướng cho mình mà quên câu "Chim có tổ, người có tông", "Uống nước nhớ nguồn", "Trước có ông bà sau mới có ta". Theo tôi, ngày Tết Nguyên Đán phải được bảo tồn hầu nhắc nhở con cháu ta đừng quên cội nguồn dân tộc của mình.