Sáng nay viếng Trang Nhà, nhìn vào phần "Ảnh Hiện Tình Cờ" tôi gặp lại "người quen cũ." Một cánh chim đầu đàn đã vội vã ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời chưa qua hết sáu mươi. Thật quá đỗi ngậm ngùi! 
 
Cũng thật tình cờ như ảnh đã hiện, hình anh ấy nằm cạnh bài viết "Đặc san Nông Lâm Súc Bình Dương," Anh Trương Công Chánh.
 
Tôi chợt nhớ những tâm sự nỗi niềm ngày anh ấy và tôi vẫn đôi khi to nhỏ cùng nhau: "đúng ra Ngôi Trường của chúng ta cần phải có một quyển kỷ yếu để ghi lại phần nào dấu tích sự hiện hữu của  MỘT NGÔI TRƯỜNG. Mai này khi lớp người sau hỏi ông bà, ba mẹ của chúng học ở trường nào; trả lời thì được nhưng dấu tích xưa sợ không còn. Biết phải giải thích ra sao về cái nơi đã đào tạo nên lớp người đi trước. Một mẫu người phù hợp với đặc trưng của đất nước Nông Nghiệp." 
 
Khi đó, cả hai anh em tôi đều ở độ tuổi chạy gạo cho gia đình riêng. Thì các bạn, ai cũng vướng bận chuyện gia đình. Hơn nữa, Trường tan rồi, việc góp nhặt lại từng cánh chim thật không dễ chút nào! Thì vào thời điểm ấy, công việc thực hiện kỷ yếu hay đặc san chỉ là niềm mơ ước thậm chí là vô vọng. 
 
Tôi có hỏi, anh Năm đã bàn việc này với bạn bè chưa. Anh cười: Thôi đi cô nương! Không có bà vợ (hay ông chồng) nào muốn chồng mình "vác tù và hàng tổng" cả. Không khéo mấy bả đem anh của cô bầm cho vịt ăn bây giờ. 
 
Tôi cũng cười và thế là qua chuyện.
 
Anh tôi chưa bao giờ và cũng không bao giờ nghĩ đến hay nói ra chuyện sẽ nhờ một ai đó đảm đương công việc quá mênh mông tưởng chừng ngoài tầm tay với khi thời gian và hoàn cảnh như cột chặc mọi ước mơ. 
 
Những lần ghé qua nhà, tôi để ý thấy sau những giờ dạy học, đưa đón con cái, chuẩn bị bài vở cho ngày lên lớp hôm sau; anh quay qua máy, cặm cụi đánh lại toàn bộ danh sách Thầy Cô và bạn bè, tất cả những chứng từ có liên quan đến công tác từ thiện của Đại gia đình NLS BD, mang ra in ấn thành nhiều bản, xếp riêng vào một cặp hồ sơ. Tôi nghĩ đó chỉ là công việc ghi lại giai đoạn Trường chúng ta bắt đầu tìm lại những mối dây liên lạc. Một công việc rất bình thường. 
 
Nhưng có ai ngờ cái công việc bình thường xen lẫn vào thời khắc tất bật mưu sinh của anh Chánh đã để lại rất nhiều thuận lợi cho tôi trong hành trình đi tìm những cái tên. 
 
Sau này, trước khi ra đi, anh trao cặp hồ sơ cho chị dâu tôi căn dặn phải đưa tận tay Kim Chi, một chú em khóa 6 trong Ban Liên Lạc của Ngôi Trường cũ. Và khi tôi biết được những gì anh Chánh lưu giữ, thì BLL cũng lưu giữ, nên tôi đề nghị chị dâu cho phép tôi được giữ xấp hồ sơ ghi dấu những ngày anh tôi còn đang hoạt động cho Trường xưa như một Ông Bầu, dù rằng mọi việc không vô tư vui vẻ như những ngày còn xúm xít dưới Mái Trường xưa. 
 
Bây giờ, trước mặt tôi là hai quyển sách nhỏ bé nhưng những gì chúng chuyên chở gói ghém thì không bé nhỏ chút nào: Kỷ yếu và Đặc san NLS BD. 
 
Những tâm tình yêu thương, những tiếc nhớ hoài niệm về một nơi chốn mà Thầy trò chúng ta đã từng gặp gỡ, sinh hoạt, vận hành nên sắc thái riêng biệt của một Ngôi Trường vừa học vừa hành; đã được quý Thầy Cô và các bạn tận lực hình thành lại bằng những trang giấy mỏng manh nhưng ân tình luôn nặng trĩu. 
 
Bên cạnh niềm vui thật sự được hình thành từ "NIỀM ẤP Ủ" bấy lâu nay của số đông quý Thầy Cô và các bạn, tôi chạnh lòng nghĩ đến một cánh chim Nâu đầu đàn đã gãy cánh khi ước mơ của anh chưa kịp bày tỏ cùng ai. 
 
Hình ảnh dưới đây, vô tình cho tôi cảm giác anh trai tôi đã vô cùng mãn nguyện khi mơ ước của anh ấy cũng là niềm khát khao thực hiện của rất nhiều người đã được hoàn thành!
 
Xin được cám ơn, ngàn lần cám ơn về tất cả những tấm lòng đã chung vai, sát cánh bên nhau trong những ngày tháng khó khăn để hoàn thành nên hai quyển KỶ YẾU và ĐẶC SAN NÔNG LÂM SÚC BÌNH DƯƠNG.
 
Kim Thanh