Thường là trong thơ văn, khi nói đến bạn bè, tôi hay dùng chữ “thằng.” Cũng như qua email và cả qua những lúc nói chuyện trên điện thoại, tôi vẫn xưng “mầy tao” thoải mái. Có vài đứa bạn đã có nhã ý nhắc nhở tôi trong tinh thần xây dựng, “Chúng mình bây giờ đã già rồi, dù sau thì cũng ráng giữ gìn ý tứ. Cứ thằng này thằng nọ, lại còn mầy tao nữa, nghe không được hay lắm. Không có vẻ nể nang, quý trọng gì ráo.” Tôi cảm ơn những lời góp ý cao đẹp đó. Tôi hứa sẽ cố gắng, sẽ sửa sai. Nhưng chắc phải cần thời gian dài. Kiếp nầy không được thì xin hẹn kiếp sau. Biết sao bây giờ. Xin bạn hiểu cho. Cha mẹ sinh con, trời sinh tánh.
Thật tình thì tôi lúc nào cũng quý mến, nể trọng bạn bè. Với tôi, “thằng” là một từ thật gần gũi, thật chân tình. Và “mầy tao” là những sự liên kết chân thành trong tình bạn. Tôi trân quí, hòa đồng, tri âm, tri kỷ. Chưa là Bá Nha, Tử Kỳ thì cũng gần bằng như Lưu Bình, Dương Lễ. Có lẽ trong tôi có chút máu của dân đồng bằng Nam Bộ nên cứ thẳng như ruột ngựa. Cứ vẫn thằng nầy, thằng nọ. Cứ vẫn mầy mầy tao tao. Xin bạn hiểu cho, cảm thông mà đừng phiền hà trách móc.
Cũng tại mang dòng máu của dân đồng bằng Nam Bộ nên sém một chút nữa là tôi lãnh cái búa tạ. Số là năm học lớp 11, trong giờ Canh Nông đầu tiên của Cô Hải, đứng trên bục giảng Cô tự giới thiệu về mình. Tay cầm phấn, Cô vừa viết tên mình trên bảng, vừa nói: “Tôi tên Võ Thị Hải. Họ Võ dấu ngã, chứ không phải dấu hỏi như là vỏ cam, vỏ quít. Còn tên là Hải, Hải là biển, dấu hỏi chứ không phải là Hãi dấu ngã như sợ hãi. Các em nghe chưa? Tôi không thích ai viết sai tên tôi.” Tôi nghe mà thích Cô lắm. Một hôm gần đến giờ tan lớp, Cô báo tin là tuần tới Cô bận nên các em được nghỉ 2 giờ. Tôi ngồi tuốt cuối lớp, gần cửa sau, sửa soạn gấp sách vở để dông cho lẹ nên không nghe rõ. Tôi hỏi thằng Dũng ngồi bên cạnh:
- Bả nói gì vậy?
Vậy mà Cô Hải thính ghê. Cô lên tiếng:
- Em nào vừa gọi tôi là Bả đó?
Tôi đứng dậy. Cô hỏi:
- Em có biết xưng hô như vậy là hổn không?
Thôi rồi, phải ráng mà ca bài ca con cá:
- Thưa Cô! Em đâu dám hổn với Cô. Chẳng những không hổn mà ngược lại. Đó là câu xưng hô đầy kính trọng chân tình của những người dân đồng bằng Nam Bộ. (Nam Bộ nữa!) Như thằng bé nói với bạn nó, “Hôm qua Bà Nội tao đi chợ về. Bả mua cho tao gói xôi thật ngon. Tao thương Bả lắm!”
Mặc dù Cô quay mặt về phía bảng đen thật nhanh nhưng tôi vẫn thấy được nụ cười tha thứ, hiền hòa của Cô. Và đó là lần hiếm hoi tôi thấy Cô nở nụ cười thật tươi trong suốt năm học.
- Thôi được. Tha em lần nầy. Nhớ tuần sau được nghỉ 2 giờ của Cô.
Hú hồn.
Dạo gần đây, tôi mừng lắm. Nhận được nhiều tin tức của những thằng bạn mà tôi nghĩ chẳng bao giờ tìm được. Hơn 40 năm, tôi đã cố công tìm kiếm. Thời gian quá dài, tưởng chừng như vô vọng. Nhưng rồi có lẽ trời không phụ lòng người. Thằng Chung em (Chung anh là Nguyễn Hoàng Thành Chung) xuất hiện trên trang nhà NLSBDHN. Sợi dây liên kết đã quăng ra và đang từ từ siết chặt. Những kể lể, những tâm sự của thằng bên nầy và đứa bên kia được dịp tuôn thành dòng. Cũng vui là đời sống hiện tại của Chung rất ổn và nhất là có được một mái ấm gia đình yên bình, hạnh phúc. Chung nhỏ con nhưng nhiều nghị lực. Dù di chuyển không được thoải mái nhưng điều đó không làm nó bận lòng, bất mãn. Chung cũng đã cho tôi một bất ngờ lớn, Chung là một nhà thơ. Chung làm thơ cũng… tới lắm, cũng… tình lắm. Tôi không biết là Chung khiêm tốn hay là… nhát. Nó làm nhiều bài thơ thật hay mà không dám gởi về Trang Nhà. Tôi đã phải khuyến khích Chung. Cuối cùng thì các Thầy Cô và các bạn trong đại gia đình NLSBD đã có dịp thưởng thức.
Có thể gọi Chung là thổ công trong nước. Từ Chung tôi có số điện thoại của Dũng - Nguyễn Trí Dũng - thằng bạn mà tôi đã gắn bó, đã chia sẻ biết bao buồn vui trong suốt ba năm trời dưới mái trường NLSBD. Hai thằng đã nói với nhau rất nhiều bởi vì hai thằng có rất nhiều điều để nói. Những nổi trôi, những khó khăn vất vả trong cuộc sống của thằng còn ở lại trong nước, cũng như những long đong bươn chải của thằng lưu vong ngoài nước. Nói sao cho hết. Còn nghe được giọng nói cố nhân là mãn nguyện lắm rồi. Thiên hạ bảo rằng, “Ở hiền gặp lành” nhưng tôi thấy câu đó không đúng với Dũng. Nó đã ốm yếu mà còn mắc phải bệnh đau tim quái ác. Đã mổ cách đây vài năm rồi, bây giờ lại tái phát. Bác sĩ cho biết không thể mổ lần thứ hai nên chỉ còn cách uống thuốc cầm cự. Hằng ngày phải đến bịnh viện để khám và lấy thuốc. Cuộc đời nó cũng khá nhiều gian truân. Dũng học giỏi và chịu khó nên sau khi tốt nghiệp MS2, nó được tuyển chọn vào Đại Học NLS trên đường Cường Để cũ. Hình như lớp MS2 chỉ có Dũng và Nghĩa vào Đại Học mà thôi. Đến khi đất nước đổi thay, Nghĩa thì chọn đời lưu vong xa xứ, còn Dũng thì ở lại. Cuối cùng thì Dũng cũng lấy được bằng Kỹ Sư Thú Y và sống đời công chức từ đó. Có lẽ với một tấm lòng hiền hòa, chân thật mà phải sống trong một nước quá nhiều mánh mung nên nó gặp nhiều trắc trở để đến khi buộc phải về hưu thì tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Bây giờ mỗi tháng nhận hơn 4 triệu tiền hưu, một mình còn lo chưa xong nói chi lo cho gia đình! Chắc cũng chỉ vì mệnh số!
Một ngày đẹp trời, tiếng điện thoại reo vang. Có tiếng hét lớn ở bên kia: “Tao đây, Nguyễn Văn Nghĩa Mục Súc đây. Nhớ tao không?” Làm sao tôi quên được. Đầu óc bây giờ có lú lẫn đôi chút (già rồi mà!) nhưng khi nghe đến mấy thằng bạn NLS thì đầu óc như sáng ra. Hơn 40 năm chưa gặp lại nhau nên nói qua, nói lại, nói tới, nói lui trên phone vẫn chưa đã. Phải gặp nhau mới được. Thằng đầu town, thằng cuối town. Nhầm nhò gì. Lái xe hơn một giờ chứ mấy. Rồi ngày mai. Text tao địa chỉ. Nhớ chở Bà Xã nữa nhen. Được rồi. Mai gặp. Nghĩa bây giờ thay đổi hơi nhiều. Tôi muốn nói đến thân xác chứ không phải tấm lòng. Lòng nó thì bao giờ vẫn vậy. Vẫn chơi và vẫn sống hết lòng với bạn bè. Nó dạo nầy có da có thịt một chút, thấy đô con, chững chạc hơn xưa. Sau màn ăn trưa do vợ chồng Nghĩa Ân (Ân, Bà Xã của Nghĩa) khoản đãi, đến màn xông đất gia chủ. Tôi thật không ngờ. Sân trước, sân sau, chung quanh nhà, hoa lá cây kiểng tùm lum. Cả một vườn thượng uyển. Lại có hồ cá cảnh nữa chứ. Nó còn đi làm mà có thì giờ chăm sóc, quá giỏi, đúng là dân NLS. Chả bù với tôi. Nuôi gà, gà ngủm, trồng bông bông tàn. Nghĩa nghe Bà Xã tôi đấu tố tôi quá nên nó thương hại:
- Mầy lấy mấy chậu bông nầy đi. Dễ chăm sóc lắm.
Bạn còn tặng thêm mấy loại phân kèm theo lời chỉ dẫn cách cho phân và tưới nước. Cảm ơn Ân Nghĩa. Cảm ơn vợ chồng mầy. Hơn tháng rồi mà mấy chậu bông vẫn tươi vẫn tốt. So far so good!
Rồi một cú điện thoại nữa.
- Thế phải không? Lễ đây.
- Lê Nguyên Lễ phải không? Sao biết số mình, hay vậy?
- Nghĩa cho hồi hôm qua. Mình gọi bạn liền đây.
Cứ thế là hai thằng thi nhau nổ. Không phải nổ như tạc đạn đâu. Chỉ nổ như bắp rang thôi. Những thăm hỏi chân tình sau những năm dài xa cách. Những kể lể tâm sự cứ dành nhau mà xổ ra như sợ rằng sẽ không đủ thời giờ để xổ.
- Tao ở Denver. Có dịp mầy với Bà Xã qua chơi.
- Tao ở Los.
- Tao về Los hoài. Lần tới tao sẽ ghé thăm gia đình bạn.
- Lần họp mặt đại hội NLDBDHN tháng Tám tới, mầy nhớ về nhen.
- Rồi. Tao sẽ về. Phải về để gặp lại bạn bè xưa chớ.
Đó. Tình bạn giữa chúng tôi như thế đó. Sau mấy chục năm dài vẫn mầy mầy tao tao, vẫn thằng nọ thằng kia. Có sao đâu. Cách xưng hô mộc mạc đó đã buộc chặt chúng tôi bằng tất cả những tình cảm chân thật trong tận đáy tâm hồn, như sự giản dị mà nồng nàn của chiếc áo Nâu thân thiết. Không cần phải hoa hòe khách sáo. Cũng chẳng cần phải đắn đo ý tứ. Có sao nói vậy. Nghĩ sao nói vậy. Như những người nông dân tay lấm chân bùn, đầu đội trời chân đạp đất mà đã một thời bọn chúng mình cho đó là hình ảnh đáng yêu nhất. Phải không các bạn…
Phạm Văn Thế (MS2)