alt

Lúc còn nhỏ tôi thường lấy sách của các cậu để đọc. Các quyển sách gồm đủ các loại truyện đời xưa từ Âu Mỹ của Andersen, Grimm và truyện đời xưa của Việt nam, truyện giải buồn, Nam Hải Dị Nhân v.v... sách nào ba tôi thấy không tốt cho tuổi chúng tôi thì ba tôi giấu rất kỹ để chúng tôi không lấy được. Vậy mà chúng tôi, nhất là tôi, vẫn tìm ra được, một trong những quyền "sách cấm" đó là Liêu Trai Chí Dị. Tôi đọc nhưng không thích vì chỉ toàn những chuyện ma quái, hồ ly hóa thành đàn bà xinh đẹp để trêu chọc đàn ông chưa có vợ. Ảnh hưởng cho tư tưởng của tôi nhiều nhất là các truyện đời xưa, những bà tiên xinh đẹp nhân từ giúp các trẻ thơ có thời thơ ấu bất hạnh.

Lớn lên một chút, đọc sách của Tự Lực Văn Đoàn, Hồ Biểu Chánh và Bình Nguyên Lộc. Do đó tôi trở nên lãng mạn mơ mộng, nhưng lúc nào cũng lấy lý trí mà xử sự, và tình cảm thì cứ ôm ấp trong lòng. Tánh lạc quan thì không hiểu từ đâu mà có, tôi nghĩ có lẽ ảnh hưởng cách xử thế của ba tôi. Tánh lạc quan này cũng giúp cho tôi rất nhiều, vượt qua các khó khăn một cách bình tĩnh, cũng có bối rối lo lắng một mình nhưng không muốn bày tỏ cùng ai dù là người thân của mình. Rồi lập gia đình, có con cái, tôi thích đưa các con đi chơi, dường như để thỏa mãn giấc mộng viễn du, mơ ước đến các chân trời xa lạ. Biển rộng mênh mông của Vũng Tàu và các đồi thông thơ mộng với cái không khí bãng lãng, lành lạnh của Đà Lạt có một sức lôi cuốn tôi rất mãnh liệt. Đây là những nơi nghỉ hè của gia đình chúng tôi trước 1975. Lần đầu tiên ra khỏi nước đi tu nghiệp ở Mã Lai, tôi đang tuổi trung niên, lúc thưởng ngoạn các phong cảnh đẹp của các hồ giữa đồi núi chập chùng, tôi xao xuyến lâng lâng, tưởng như mình đang ở một cõi tiên nào đó. Tôi đã buộc miệng nói với vị giáo sư người Tân Tây Lan "chết mà được chọn nơi đây thì thật là không còn gì bằng!"

Rồi biến cố 1975 đến, miền Nam rơi vào miền Bắc, cả gia đình rời Việt Nam định cư ở Mỹ. Rồi cũng quen thuộc với cuộc sống ở quê hương thứ hai, con cái trưởng thành, trừ cô gái út, tôi bắt đầu cùng chồng và con gái út đi chơi xa vào mỗi lúc nghỉ hè. May mắn nhứt là tôi vẫn còn làm nghề giáo nên nghỉ hè khá dài, tôi không phải lo gì về thời gian tuy cũng có giới hạn một chút vì ông xã chỉ nghỉ 2 hoặc 3 tuần thôi. Với lòng mơ ước " phiêu lưu", chúng tôi cũng thu xếp được để đi xa.

altChúng tôi thích lái xe, nói đúng hơn là ông xã tôi không dám lái xe trên xa lộ tốc độ cao, tôi phải nghiên cứu bản đồ mà đi vì thời đó chưa có IMAP cũng như GPS. Nhưng đến lúc có IMAP rồi, tôi vẫn theo phương pháp cổ lổ sĩ nhìn bản đồ. Cách này rõ ràng hơn đối với tôi. Tôi thích thú ngắm phong cảnh hai bên đường, các đồng cỏ tiểu bang Texas, và các sa mạc. Những cảnh đó khiến tôi quên đường dài, rất tỉnh táo làm hướng đạo. Lúc nào cũng định trước nơi nghỉ đêm, đặt phòng trước ở khách sạn. Đi California thì lúc nào cũng nghỉ đêm ở Albuquerque, New Mexico. Lần đầu tiên trước khi vào thành phố này, khi trời sắp sụp tối, chung quanh chúng tôi là mây xám lững lờ trôi trên các đồi núi chập chùng trong rất rờn rợn. Tôi bỗng thấy hồi hộp băn khoăn. Mình có đi lạc không? Lúc đi California lần thứ hai, chúng tôi ráng đi xa hơn gần Flaggstaff, Arizona để thăm rừng cây hoa đá (Petrified Forest). Khi vào khu vực đó, chúng tôi không tin ở mắt mình. Tôi ngạc nhiên thích thú nhìn từng khúc đá đủ màu nâu, tím, trắng, xanh. Nhìn toàn bộ giống như là những khúc cây nằm nối nhau như một thân cây đã được các bậc tiều phu đốn xuống, cưa ra từng khúc để chở về nhà, và xung quanh là những mảnh vụn của vỏ cây cũng đã hóa đá nằm rãi rác khắp nơi. Tôi bàng hoàng nghĩ đến một cơn địa chấn nào đó khiến nơi đó mọi vật đều biến thành đá sau hàng triệu năm bị nung nóng. Chất gỗ đã biến thành thủy tinh mà không một bàn tay con người nào có thể làm được như vậy. Một sự biến đổi tuyệt hảo, nhìn các vân cây, mình cũng biết được các cây đó được bao nhiêu tuổi trước khi hóa đá. Cây hóa đá được thì bà Tô Thị cũng có thể thật sự đã hóa đá sau nhiều tháng ngày đứng một mình với đứa con trên núi cheo leo trông chồng về...

Có một lần ra khỏi biên giới Canada và Mỹ được một khoảng đường thì vì đường đang được tu sửa, nên chúng tôi theo bảng chỉ đường đi vào một con đường mà chung quanh là rừng núi chập chùng hiểm trở khiến tôi tưởng mình đang đi lạc vào dãy núi Catskill, như anh chàng Rip van Winkle sợ vợ trốn lên núi một mình và khi thức giấc trở về nhà ngơ ngác như Từ Thức từ Thiên Thai trở về Trần Thế, vật đời thay đổi, không còn một ai quen thuộc. Có một lần sau khi viếng Carlsbad Caverns ở phía đông nam của New Mexico, (đây cũng là một tuyệt phẩm của tạo hóa), khi trở ra để đến đường Liên bang số 10 chúng tôi đi ngang qua một rừng thông có cái tên rất hay: Safety Corridor. Gọi là safety corridor mà đường thì quanh co lên dốc xuống đồi. Ở đó các cây thông thẳng đứng và tàng lá giống như trong các quyển sách truyện cho trẻ con. Tôi xuýt xoa, "mấy cây thông này đẹp quá, giống như các cây thông mình đã thấy ở trường đại học Illinois, Champaign". Đang chăm chú lái xe, ông xã tôi, Nhiệm, cằn nhằn: "đẹp cái gì, sao bà chọn con đường gì mà khó lái quá!". Thấm thoắt mà đã hơn 25 năm cùng nhau dong ruổi trên trên vạn lý, cộng thêm 15 năm ở quê nhà, nay ông xã tôi, Nhiệm, sắp lên 78 tuổi và tôi thì 73. Ông Nhiệm không muốn lái xe đường xa nữa, nếu cần đi đâu trên xa lộ thì con gái chúng tôi, Chi, chở chúng tôi đi. Ông Nhiệm lại không thích đi máy bay vì vậy khi cần tôi đi một mình, đi đến đâu, nhìn cảnh vật từ trên máy bay hoặc thăm viếng một nơi nào đó, tôi nghĩ đến những ngày hai vợ chồng cùng đi chung, nghĩ đến và buồn. Tôi biết anh đang ở nhà, có con cháu chăm sóc chu đáo, điều chắc chắn là ông đang nghĩ đến tôi và cũng đoán thử là lúc đó tôi đang ở đâu. Tôi ngậm ngùi thương cho buổi hoàng hôn của chúng tôi.

Tôi lại nghĩ đến má tôi sau khi ba tôi qua đời, một hôm đi chợ về má tôi nói với tôi: "hôm nay má gặp vợ thầy Đua, chị ấy nói với má là bây giờ chị ấy và má đồng cảnh ngộ, cây cột cái đã gãy." Lúc đó tôi vô tâm, chỉ thấy buồn cho hai người đàn bà cùng cảnh ngộ, chồng mất, nhưng lần lần tôi nghĩ ra đó là lời tâm sự thống thiết của má tôi, của một người vợ hiền chôn chặt nỗi nhớ thương người bạn trăm năm mà không sống được đến trăm năm.

Tôi nghĩ đến một quyển sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc "Già ơi, xin chào mi". Tôi cũng muốn nói như vậy, "Bonjour Vieillesse, Hello Old age" và có thể " Bonjour Tristesse!"

Trịnh Thị Kiêm Loan
Cuối mùa đông 2012