Hồi ký này để nhớ lại vùng ngày tháng ban đầu trong tâm trạng học trò đi học nghề với những bước chân non trẻ, thật xa lạ nhưng xác định được hướng đi, tập tành làm "nông dân" và thực nghiệm những kiến thức nông nghiệp cơ bản cho học sinh NLS.
Xin gởi bài Thực Hành Nông Trại tại trường này để nói lên lòng biết ơn đối với "Người Thầy Đặc Biệt", Cô Đặng Thị Bắp, người đã tạo được những dấu ấn tốt đẹp và thích thú trong tâm hồn chúng tôi, các bài học và thực hành mà Cô đã tận tình chỉ dẫn là hành trang quí báu cho chúng tôi, những học sinh đã sinh trưởng và sống ở thành phố chưa biết gì là nông nghiệp). Từ ngày rời trường đến bây giờ, tôi chưa có dịp gặp lại Thầy Cô và gia đình.
***
Trường Trung Học Nông Lâm Súc Bình Dương được chính thức hiện diện năm 1968, bắt đầu từ lớp Đệ Ngũ đến lớp Đệ Nhất, trong năm nầy, lớp Đệ Ngũ được thành lập với nguồn học sinh địa phương từ Trường Cộng Đồng Búng chuyển tiếp qua THNLSBD, số khác ở các nơi chung quanh Búng, Lái Thiêu, Thị xã Thủ Dầu Một và Sài gòn, Biên Hòa hội tụ về đây để học ngành kỹ thuật nông nghiệp qua một kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Ngũ (những học sinh áo trắng phổ thông, rất là thư sinh, nho nhã).
Trước khi nhập học lớp Đệ Ngũ NLSBD, chúng tôi đã biết thể lệ khi vào học, và dĩ nhiên đã chuẩn bị sẵn sàng "áo nâu" (màu áo tiêu biểu cho giới nông dân trong xã hội miền quê nước ta) rất là mới… vì trước đó, chưa có bao giờ mặc áo màu này.
Rồi chuyện trở thành "nông dân" đến thì phải đến... Chúng tôi, dưới sự hướng dẫn của "Người Thầy tận tụy" trong giáo nghiệp và "tận tình" với học sinh (giống như người chị cả dẫn dắt đàn em dại), một trong những người đó là Cô Đặng Thị Bắp quí mến. Cô có giọng nói trong trẻo và dịu dàng khi truyền đạt. Cô đã hướng dẫn rành rẽ từ lúc sửa soạn đất, sát trùng hạt giống, gieo, tưới, bón phân, làm cỏ và thu hoạch.
Trong giờ thực hành nông trại đầu tiên, lớp chúng tôi được chia ra nhiều "toán", mỗi toán có 5 bạn, phần đất của lớp Đệ Ngũ B chúng tôi làm nơi thực tập là ở phía trái dẫn vào khu Thực Hành Nông Trại và ở giữa "nhà chứa dụng cụ" với "nông xưởng". Sau khi đất đã được cuốc, xới cho nhuyễn lớp đất mặt có chiều sâu tối thiểu 2 tấc (1 gang tay), chúng tôi được phân phát hạt đậu phọng giống và gieo xuống đất, lấp lại và tưới nước…
Buổi học đầu tiên thật sự mới lạ và cực nhọc(mặt nhìn đất, lưng đội trời) tay chân dính bùn đất, áo thấm ướt..., Cô giáo cũng vậy, chúng tôi rất cảm phục và kính mến Cô(mặc dù có đôi lúc chúng tôi nô đùa một cách trẻ thơ).
Gặp thời tiết thuận lợi, một ngày sau có cơn mưa lớn, lần thực tập kế tiếp chúng tôi nhìn những mầm đọt non đang nhô lên khỏi mặt đất mà lòng mừng khấp khởi, chúng tôi đã học cách xới đất cho thoáng, làm cỏ và bón phân cho cây đậu phọng... theo thời gian cây trỗ những hoa vàng nhỏ nhưng rất đẹp. Khi cây đậu ra hoa thì chúng tôi không xới đất quanh gốc nữa vì rễ cây sẽ tượng hình phát triển thành trái đậu phọng, nằm âm trong đất ở quanh gốc, trong vài tuần lễ nữa là đến giai đoạn thu hoạch. Ngày thu hoạch đã đến, chúng tôi trong tâm trạng vui mừng hòa lẫn với sự háo hức hiện rõ trên khuôn mặt của từng học sinh NLS chúng tôi, những "nông gia tương lai" sau này mà!
Kết quả, nơi nào được chăm sóc tốt, đất tươi xốp thì tỉ lệ có trái đậu phọng cao, nơi nào đất bị chai, thiếu chăm sóc thì chỉ có vài trái đậu ở cây đó, thậm chí chỉ có toàn là "chìa" hoặc trái đậu bị lép...
Sau lần thu hoạch “tác phẩm đầu tay”, chúng tôi tiếp tục được hướng dẫn để khai phá cách trồng cải bẹ xanh, củ cải trắng...
Quả thật, ai đã từng là thần dân NLS thì mới thấm thía được tình cảm của Thầy Trò và Bè Bạn trong những giờ thực hành nông trại mà ở trường phổ thông không hề có được.
Mùa Thu 2011
Houston, Texas
Dương Ngô Trung Phòng