alt
1

Lúc nhỏ, có một lần tôi theo bà chị cả đi coi bói. Cùng mang nỗi lo lắng, thắc mắc về tương lai chồng con như bao cô gái vừa sang tuổi trưởng thành khác, nên bà chị tôi chỉ muốn coi bói để biết trước chuyện tình duyên gia đạo ra sao thôi. Còn tôi lúc ấy chỉ biết ăn học (mà ăn nhiều hơn học) thì có gì mà cần coi. Nhưng khi xem cho chị tôi xong ông thầy bói nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi phán một câu: “Con nhỏ này nữa cao số lắm à nghen.” Mèn ơi! Phải chi ổng nói tôi số cao thì không chừng tôi đã vượt qua khỏi một thước rưỡi rồi chứ đâu lại cứ lùn tịt lùn tè, lạch bạch như con vịt đẹt mãi như bây giờ. Còn cái chuyện “cao số” thì nghiệm cũng… hơi đung đúng. Mà cao số đi…“ăn chực” thì chính xác hơn. Chứ còn cái số giàu sang phú quí của tôi thì cứ cầm chắc như là “bù”, mà cầm “bù” như là chắc rồi.

Tôi, dân miền tây chánh cống, cái xứ mà khi “nước sông dâng cao cá lội từng bày” thấy mà mê vậy đó. Ra trường rồi tôi bỗng như con chim chán cái lồng đã cưu mang mình bấy lâu nay, nên muốn sổ lồng bay bổng một bước vừa xa vừa cao. Thế là tôi rắp tâm thực hiện bước phiêu lưu đầu tiên trong đời mình. Rồi tôi đi lăng quăng thế quái nào mà bị sông nước Tiền giang và Hậu giang đẩy đưa, lùa dạt tôi trôi đến sông Sài gòn. Sau hết trấp vào nhánh nhỏ của nó là con sông Búng chảy ngang qua Lái Thiêu và tỉnh Bình Dương. Đây là vùng đất trù phú, đầy ắp trái ngọt cây lành. Ăn trái cây hoa quả hả hê rồi, nhưng mỗi khi nhìn sông nước trong veo vẻo ở đây, tôi vẫn nhớ về những con sông dài nước lớn đậm màu phù sa với cá tôm dư thừa của niềm Tây mà nghe như có tiếng sóng dào dạt trong lòng.
 
Rồi tôi nhận một chân dạy học cho trường Trung học NLSBD. Trường này mới được thành lập chưa lâu lắm, nằm dựa ven quốc lộ 13 dọc theo đường từ chợ Búng chừng 1 km về hướng Bình Dương và cách Sài Gòn không xa. Những ngày tháng đi dạy tại đây chính là bước khởi đầu cho cuộc đời cao số đi ăn chực của tôi. Giáo chức ở đây, một số là người gốc BD thì ở tại tỉnh, còn phần đông ở Sài gòn hay các nơi khác và thường đeo xe đò đi về mỗi ngày. Hoặc có người tá túc đỡ nhà bạn bè, đồng nghiệp hai hay ba hôm, khi dạy đủ số giờ trong tuần thì mới về. Nhóm giáo chức nữ thường xuyên bám trụ lại BD vào những ngày phải lên trường gồm có cô Nguyễn Nguyệt Yến, Cô Trần Thị Nữ, Cô Loan… và tôi. Cư dân - hoặc trở thành cư dân BD - như Cô Vàng, thầy Lung và cô Hương..v..v... Kể cũng thật tội, vì chính những cư dân này đã phải chịu đựng và cưu mang nặng gánh bởi nhóm du mục nay trấp đầu này mai trấp đầu nọ như tụi tôi. Nhất là vào những dịp cúng giỗ trong năm. Thường thì chỉ một người trong bọn biết vì được mời thôi, rồi người này rỉ tai người kia, cứ kế tiếp như vậy và dặn dò đừng cho ai hay. Kết cục đến hôm giỗ bảo đảm thế nào cũng hiện diện đủ mặt bá quan văn võ. Tôi bị lôi cuốn một cách dễ dàng vào cuộc chơi làm “khách không mời mà tới” này. Lúc đầu tôi cũng cảm thấy hơi áy náy, ngại ngùng. Sau thấy mọi người cứ tỉnh bơ và vui vẻ cả làng nên tôi cũng bị lây bịnh truyền nhiễm “trây trúa” mà quen đi. Nhất là những lần dự đám giỗ “cọp” ở nhà cô Vàng. Mọi người hả hê, thích thú một cách “quái ác” khi thấy cô ngạc nhiên, chới với vì bất ngờ. Cô phân bua: “Trời đất! Tui đâu có đủ thức ăn cho đông người như vậy đâu.” Đám người đi ăn giỗ “cọp” chỉ biết đưa mặt mốc ra cười khè khè. Vậy mà rồi chủ nhà vẫn xoay sở đủ thức ăn và lần nào cả nhóm cũng vui chí chết, vui hết ý hết tình và hết… nói luôn.
 
Cuộc vui cứ tiếp tục xoay vần. Ngay sau năm 75, tất cả đều rơi vào tình trạng khó khăn, eo hẹp về mọi phương diện. Vậy mà những gia chủ này cũng đâu có chừa tật kêu réo, rủ rê nhau mỗi khi kiếm được món ăn gì khấm khá hơn mấy món trường kỳ kháng chiến như khổ qua đèo hay măng luộc (còn gọi là vạc giường) chấm mắm nêm muôn năm. Có lần cô Vàng lật mấy cái lu, hũ, khạp chứa thức ăn cho heo để quanh vườn, cô bắt được một mớ cóc đen sần sùi trông phát kiếp. Rồi cô nấu một nồi cháo cóc to tướng như nồi cháo heo của bà Sáu (mẹ chồng chị Vàng) và hú cả bọn đến ăn. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối tôi ăn thịt cóc. Tôi đã thưởng thức tận tình và còn nhớ mãi cái hương vị thơm ngọt đậm đà của thịt cóc ướp bằng tình bằng hữu ấm nồng. Thấm thía cái hạnh phúc tuyệt vời của tình đồng nghiệp đã chia sẻ và cưu mang lẫn nhau trong lúc hưng thịnh cũng như bần cùng. Lần khác cô Vàng hoạnh tài hay sao đó mà cao hứng mua mấy trăm gram thịt bò về, bằm nhỏ và xào chung với một rổ củ sắn non thái sợi. Cả bọn lại được hú đến để vừa cuốn bánh tráng với củ sắn xào thịt bò vừa đùa ghẹo nhau thật vui nhộn dù trong lòng vẫn luôn mang khối đá nặng nề về một tương lai đen tối của ngày mai. Từ nơi bạn bè, tôi tìm thấy ngoài niềm vui còn là niềm an ủi lúc thăng trầm.
 
Phạm vi đi ăn chực của tôi càng ngày càng nới rộng thêm ra và lấn sang đến cả nhà anh Lung và chị Hương. Tôi đi ăn quen tới độ nhớ vanh vách bộ nồi niêu đắt giá của chị Hương được đánh bóng sáng ngời và treo chỗ nào trên vách bếp. Còn bộ xoang chảo để nấu nướng hàng ngày của chị thì tha hồ ai muốn sử dụng ra sao cũng được, không cần phải lo chùi rửa kỳ cọ cho hết lọ nghẹ.
 
Một hôm xuống trường dạy tôi nhận được tin nhắn mới: “Ê, bữa nay Tư Lung đi Sài Gòn về mua được cá thương nghiệp. Chiều nay ghé ăn cá hấp nghe.” Tôi hỏi vặn: “Cá gì?”. “Thì là cá… Xạo”. Tưởng lời nói đùa. Nhè đâu mọi người kéo nhau đi thật. Chẳng biết ất giáp ra sao nhưng tôi cũng cứ đi đại. Cái màn này nay tôi đã quen lắm rồi.
 
Kể cũng lạ, nếu ai có ở vùng biển chắc sẽ biết loài cá có tên là cá Xạo mà chẳng thấy nó xạo chút nào. Thịt cá tuy hơi cứng và không ngon lắm, nhưng đang lúc mà tiền lương tháng của mọi người không đủ để mua gạo, mắm nuối, củi lửa cho nửa tháng nữa thì có thoảng một chút mùi cá mùi thịt trong mâm cơm là quý rồi huống hồ nay lại được ăn cá hấp cuốn bánh tráng. Vâng, ngày hôm đó ở nhà anh chị Lung Hương chúng tôi ăn cá thật chứ không xạo chút nào. Chủ nhà chiêu đãi rất thật lòng. Còn người đi ăn chực thì ăn càng thật bụng hơn. Tôi thường nói đùa trong những trường hơp như thế này là “chủ nhà có lòng thì mình có bụng” (mà là bụng chứa chứ không phải tốt bụng đâu nha). Quả thật một miếng khi đói to bằng mấy gói khi no. Dẫu hôm nay có ai đãi tôi cả một con cá Sturgeon tôi cũng không thấy quý và ngon bằng mấy miếng cá Xạo ngày ấy.
 
Tôi nhớ nhất là lần đi ăn chực bánh xèo do thân mẫu anh Lung làm. Cụ đứng bếp đổ bánh xèo cho cả đám chúng tôi ăn không ngừng tay và cũng không cho ai thế chỗ của mình. Bánh xèo của cụ vừa dòn, mỏng, màu vàng óng ả và được gập đôi lại trông rất xinh xắn và khéo léo. Vỏ ngoài của chiếc bánh là bột gạo xay nhuyễn pha nghệ vàng tươi, lác đác vài khúc hành lá xanh mướt thái mịn. Điểm tô lơ thơ mấy miếng thịt ba rọi, dăm ba lát hành củ hơi cháy xém và vài con tôm đỏ thắm làm dáng, trông vừa đẹp mắt vừa hấp dẫn, khiêu khích. Bên trong là giá và đậu xanh. Rìa bánh rất mỏng, dòn rụm và thường bị cháy xém thành mầu nâu đậm nên tỏa mùi thơm lừng quyện với mùi nước nắm chanh tỏi ớt, chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn và cay cay làm cho nước miếng cứ tươm ra. Rồi thì lấy một lá cải bẹ xanh, bỏ thêm đọt mọt, lá lụa, rau thơm, dấp cá, dưa leo thái mỏng, sau cùng rứt một mảng bánh xèo cùng với nhân còn nóng hổi và rìa dòn tan bỏ vào giữa đám rau hỗn hợp kia rồi cuộn lại. Giây phút chờ đợi đã đến: chấm cái gói vừa xanh vừa vàng lại thơm nồng nàn vào chén nước nắm có vài cọng cà rốt củ cải chua và đưa vào miệng. Thế là quên trời, quên đất, quên cả chuyện đời lẫn chuyện mình. Vì ngon tuyệt, ngon tột cùng. Chúng tôi ăn mê mẫn và mãi nói chuyện tào lao đến nỗi chẳng ai quan tâm đến cụ già đứng đổ bánh xèo liên tục giữa trưa nắng oi bức, mồ hôi đổ như tắm. Sau cùng cụ tự xoay sở cho mình một chén nước mắm với sàng rau nho nhỏ, rồi cụ cứ tiếp tục vừa đổ bánh vừa ăn. Ôi thật là tội lỗi cho lũ trẻ mê ăn. Tuy cụ không còn trên thế gian nữa, nhưng cũng xin gửi đến cụ ngàn lời tạ lỗi và lời cảm ơn tấm lòng rộng rãi cụ đã đãi ngộ chúng tôi trong những ngày đói rách lang thang.
 
Tôi theo đám “bè” đồng nghiệp ở trường NLSBD đi ăn chực nhiều lần thì nghiệm thấy rằng đa số họ đều xuất thân từ NLSBL. Đều cư xử với nhau như anh em một nhà. Đều thiệt tình hơn cả thiệt tình nữa. Từ đó tôi nhập bè với nhóm này. Từ đó cái số “ăn chực” của tôi càng cao và càng xa hơn cho đến ngày rời bỏ quê hương.
 
2
Dường như cái số của tôi cứ đi loạng quoạng là thế nào cũng đâm rầm vô dân NLS hay sao ấy. Sau ngày bị “mất dạy” tôi phải lang thang lây lất rày đây mai đó quanh vùng biên giới miền đông. Chán ngán tình đời tôi đi vượt biên. Tiếng là “đi” chứ có được đi đâu mà thật sự là vừa im lặng vừa chạy vừa trốn. Chạy trối chết. Chạy từ rừng đước này qua bãi mắm nọ, từ con kinh nhỏ sang rạch nước to mỗi khi xuống bến mà bị động. Trốn từ nhà chứa dấu tạm này qua nhà chứa khác để chờ giờ xuất hành thuận tiện. Có lúc trốn chui trốn nhủi trong lùm tre, bụi chuối hay dưới khoang ghe nhỏ chuyển sang tàu lớn y như con thú bị săn đuổi. Nói tóm lại sau bảy tám lần thất bại, một lần đi tù sáu tháng ở Kinh Làng Thứ Bảy - U Minh Thượng - vì tội vượt biên, vậy mà tôi vẫn cứ ngoan cố, im re bà rè quoánh một ván bài chót thẳng một lèo sang Thái Lan. Lần này vừa thoát tù và thoát chết cho nên khi đặt chân vào trại tị nạn Songkla là tôi đi lâng lâng, nhẹ nhàng, thơ thới như dạo chốn bồng lai. Mắt tôi đảo dáo dác xem có tên thân sơ thất sở nào mình biết mặt trong rừng người đứng hai bên lối vào đang tò mò soi mói nhìn mình không. Qua khỏi cổng trại một đỗi tôi chợt có ý nghĩ muốn quay đầu nhìn lại đoạn đường mình vừa mới đi qua. Bỗng nhiên tầm mắt tôi bị cản trở bởi hai dáng người đang đi lơn tơn vào trại. Một cao dong dỏng, một tầm thước, cả hai vừa ốm vừa đen đúa nhưng vẫn còn ăn mặc tươm tất hơn tôi mấy bậc. Rồi cả ba chúng tôi đồng nhận ra nhau cùng một lúc… Mới từ cõi chết trở lên bờ, mới tỉnh hồn để chợt nhớ giờ đây mình đã vĩnh viễn xa rời tất cả: quê hương, gia đình, người thân, bạn bè… Nơi đây, mình đang tứ cố vô thân. Rồi bất chợt hiện ra ngay trước mặt anh Đặng Tấn Lung và chị Huỳnh Thị Hương - là dân NLSBL đó - vừa là đồng nghiệp ở trường NLSBD và cũng là bạn bè thân cũ. Té ra họ đã đến đây trước tôi mấy hôm. Có nằm mơ cũng không dám tin vào mắt mình. Tôi mừng đến lịm người, bất động. Mấy giây sau tôi phản ứng một cách vô thức là cứ vã vào hai bên má anh Lung liên hồi. Dường như đây là sự sai khiến từ trong tâm thức để kiểm chứng xem có phải người thật chuyện thật hay không. Tôi như người đang ngoi ngóp giữa dòng nước chảy siết bỗng đâu níu lại được cái bè cũ của mình vậy. Khi lên đến bờ tôi không còn một đồng su dính túi, giờ đây lại trở về cái nghiệp đi ăn chực của mình như xưa. Hay nói văn hoa hơn, tôi đã có “quới nhân” là anh chị Lung Hương phù trợ cho trong những ngày ở trại tị nạn.
 
alt
Hình chụp tại trại tị nạn Songkla tháng Giêng 1980. Từ phải sang trái: Hương, Lung, Thu, Thành (em Thu). Bé Lu và Linh ở phía trước.
 
Ngày tôi rời trại đi định cư vẫn là anh chị Lung Hương chuẩn bị khăn gói quả mướp cho tôi lên đường. Họ chạy vạy cho tôi môt bộ đồ hơi tươm tất một chút và chiếc giỏ cói cũ kỹ của Bảy Trực - em chị Hương tặng – để tôi chứa gia tài quý báu là chiếc quần đen vải thun cũ và chiếc áo nâu bạc màu mà tôi đã mượn của mẹ mặc đi trong ngày vượt biển. Chị Hương - vẫn với bản chất chu đáo, ân cần và tốt bụng muôn thuở - đã không quên nhét vào chiếc giỏ này hai khúc bánh mì kẹp lạp xưởng để chị em tôi ăn dọc đường lên Bangkok. Đó là phần thức ăn chị sắm cho gia đình để đón Tết Nguyên Đán và chị đã xén bớt ra mà lo cho chị em tôi. Chiếc giỏ nặng trĩu tình biển cả của mẹ tôi, chứa đầy thâm tình bạn hữu và hương vị Tết quê hương. Tôi đã mang chiếc giỏ này theo đến vùng đất mới và đến hết cuộc đời.
 
Tôi sang định cư tại San Jose - tiểu bang Cali - chẳng được bao lâu thì bắt liên lạc lại với anh chị Lung Hương cũng mới sang và ở San Francisco. Cali động đất thường xuyên, mặt đất đong đưa, sàng qua sàng lại thét rồi gom chúng tôi quy tựu về gần nhau hơn, cùng ở San Jose. Thế là “bè” cũ được “bện” lại từ đó.
 
Từ anh chị Lung Hương tôi nghe kể rất nhiều chuyện lý thú về trường NLSBL. Chuyện thầy cô, chuyện học trò, bè bạn, chuyện phá phách tuổi học trò ly kỳ, hấp dẫn. Dù không biết mặt nhưng tên tuổi và những việc liên quan đến của nhiều người tôi đều nghe qua và nhớ hết. Lâu dần tôi cảm thấy như chính mình cũng là người trong bọn luôn, thật gần gũi, thật quen thuộc. Còn có nguyên nhân khác làm cho tôi thích nghe chuyện NLSBL. Là tôi vốn cũng xuất thân từ một trường nông nghiệp ở miền tây, do đó tôi thấy mình cũng là dân cày cuốc như nhau, cũng có điểm tương đồng. Họ làm cho tôi đỡ nhớ trường xưa, lớp cũ và bạn bè đồng môn thuở nào. Tôi càng thích nghe chuyện thuộc về NLSBL, thấy như họ gần gũi, như có một chút liên quan với mình. Đó là vì họ đã có một thời cùng chia sẻ khoảng không gian, cùng hít thở chung bầu khí quyển Bảo Lộc - quê ngoại và cũng là khung trời chợt nhớ chợt quên của tôi.
 
Sau này qua anh chị Lung Hương tôi quen biết thêm một số anh chị khác cũng từ NLSBL. Đi ăn chực mấy lần nhà anh chị Mới. Ăn ké vài lần trong dịp họp mặt của ĐHNLSBL tại San Jose. Mặt mày trở nên chai cứng, dày dạn, nên khi sang Dallas dự Đại Hội NLSBD I hai năm về trước, tôi lại tiếp tục tham gia tái diễn cái chiêu cũ rít này. Khi anh chị Lung, Hương và tôi bay sang Dallas thì nhóm chúng tôi kết hợp với anh chị Vương Thế Đức và trú nhờ nhà Chi, em gái nuôi của anh Đức. Sau đó anh chị Công, Mỹ Châu, cô Vàng, chị Nữ, Ngọc cùng đến sáp nhập vào luôn. Anh VTĐ xuất thân từ NLSBL, tuy là đồng nghiệp với tôi ở NLSBD trước kia nhưng tôi chỉ biết anh mà chưa quen. Vậy mà tôi cũng tỉnh bơ gia nhập ngay với anh chị, rồi thản nhiên tiếp tục đi theo ở nhờ và ăn chực nhà 2 cô em nuôi của anh Đức là Chi và Bích Loan dưới danh nghĩa người…lạ hoắc lạ huơ. Nhờ dịp này tôi mới thấy anh VTĐ còn hơn tôi mấy bậc về tài đi ăn chực, đáng được tôn làm sư phụ. Đi đâu anh cũng kéo nguyên một đám “khách không mời mà tới” theo cùng. Vậy mà chủ nhà vẫn cứ vui vẻ, nhiệt tình tiếp đãi. Sao chiếu mệnh của chúng tôi về khoản này sáng hết biết.
 
Thừa thắng xông lên, lợi dụng thời cơ trong dịp họp ĐHNLSBD I này tôi theo nhóm bạn cũ gồm Cô Vàng, Nữ, Ngọc, anh chị Huỳnh Văn Công và Mỹ Châu từ Úc bay sang tuốt Canada. Lại tiếp tục ăn chực nằm chầu nhà anh chị VTĐ ngót một tuần lễ. Dân Canada hiếu khách vô cùng. Nhờ vậy mà đi ăn chực quanh trong đại gia đình chị em của anh VTĐ chẳng những đã không ngại ngùng mà còn hết sức vui vẻ, thoái mái. 
 
alt
 
Cũng những gương mặt quen thuộc đi ăn ké trong dịp lễ Thượng thọ của thân mẫu anh VTĐ
 
Chúng tôi được anh chị Đức đưa đi thăm Toronto, vài thắng cảnh khác. Hôm đi thác Niagara có thêm Can và Nguyên - thêm đứa em thân tình của anh chị Đức - đã tận tình đưa đón và hướng dẫn. Nhất là Nguyên, đã không quản ngại cực khổ theo chúng tôi xuống tàu chui vào dưới gầm thác đầy bụi nước bắn tung tóe ra như mưa to, ướt hết cả đầu cổ.
 
alt
Cảnh ướt ngoi ngóp khi tàu chui xuống chân thác Niagara với Nguyên
 
Tấm thịnh tình và lòng tốt của anh chị Đức cùng chị em trong đại gia đình của anh và những người bạn hữu trên ấy thật tràn đầy và cuồn cuộn như nước trên dòng thác. Vì vậy tôi rất hy vọng còn nhiều dịp được lên Canada nữa để trầm mình trong giòng thác chân tình này. Đúng là Canada xứ lạnh tình nồng. Hễ đi đâu gặp dân NLS là y như gặp bà con họ hàng thân cận vậy đó. Mừng vui không kể xiết.
 
Cuối năm 2012, đầu năm 13, vì đeo đuổi theo mấy con Kangaroo mà tôi trôi dạt sang tới xứ Úc, vùng đất gần cuối đáy quả địa cầu. Trên đường đi tôi không quên ghé tạt vào đảo thần tiên Hawaii để thăm bà chị cả Bạch Thị Vàng. Ngoài ra cũng có một chút cố tình tò mò muốn xem mặt mũi Nguyễn Ngọc Sương - tác giã bài thơ “Nhớ trường xưa” - ra sao mà đã làm cho nhiều người cảm khái từ câu đầu đến câu cuối. Tôi hẹn NNS và chị Vàng cùng chở nhau đi thăm một vòng đảo. Gặp rồi mới biết Sương xuất thân từ NLSBL, trôi dạt xuống NLSBD, cuối cùng trấp vào DHNNCT. Hóa ra ngoài cái dính dấp chút xíu dưới danh nghĩa cùng là dân NLS, tôi và NNS còn có mối liên hệ đồng môn, tình sư tỉ sư đệ đề huề. Cuộc đi chơi nửa chừng thì tình trạng sức khỏe không cho phép nên NNS về nghỉ sau khi nhờ con trai tiếp tục hướng dẫn chúng tôi cho đến hết ngày. Tôi thật mừng vì nhờ dịp này mới được gặp NNS và không biết có còn lần may khác nữa không. Cũng thật bùi ngùi vì biết chắc NNS sẽ mãi mãi tiếp tục “buồn lặng lẽ” nhìn “biển hoàng hôn che khuất bóng trường xưa”. Tôi xúc cảm vô vàn khi hiểu thấu nỗi niềm riêng tư của em.
 
Bơ vơ quá! Ôi biển trời non nước…
Trời bao la mà…biển cũng bao la.
 
Còn con người thì quá nhỏ nhoi, bất lực và cô đơn! Em “ước có một ngày về”. Tôi cũng cầu mong như vậy cho em. Dù chỉ một lần thôi! 
 
 
alt
Rời  Hawaii, Nguyễn Ngọc Sương và chị Vàng, Cô Thu tiếp tục hành trình đi Sydney
 
Nơi đây vợ chồng tôi được anh chị Huỳnh Văn Công cho tá túc hơn một tuần lễ. Anh Công xuất thân từ NLSCT và là đồng nghiệp với tôi ở NLSBD. Anh chị cho ở, nuôi ăn và dẫn đi chơi khắp nơi dù chân anh đi bộ rất khó khăn và đau đớn. Vợ chồng tôi được tiếp đón hết sức niềm nở, nhiệt tình bởi nhiều thành viên trong gia đình NLS ở Sydney. Phía ĐHNNCT có anh Lê Quang Dũng, Trần Thu Thạnh, Quách Như Quan, Huỳnh Liêm. Bình Dương có vợ chồng Mỹ Châu, vợ chồng cô Tám - em gái anh Công và là cựu học sinh NLSBD - và một số bạn khác. Nhóm Bảo Lộc có cô Dương Thị Tuấn Ngọc - cựu giáo sư NLSBL - và chị Trần thị Nữ. Họ luân phiên nhau hoặc hợp lại đưa chúng tôi đi thăm khắp các nơi và đãi đằng hết sức nồng hậu và linh đình. Tôi có cảm tưởng như mình đi dự đại hội hết nhà này qua nhà khác. Mới ăn xong ở nhà anh chị Công lại sang nhà anh chị Thạnh, rồi tới nhà Quan, Liêm, Châu… Không lúc nào hết niềm vui, dứt tiếng cười. Dịp này thật may mắn chúng tôi cũng được hội ngộ cùng thầy cô Nguyễn Phi Long ở VN mới qua. 
 
 
alt
Tái ngộ cùng thầy cô Nguyễn Phi Long tại nhà anh chị HVC, Sydney. Từ phải sang trái hàng đầu: chị Công, Thu, thầy và cô NPL
 
Tôi thật cảm động và khâm phục về sự trân quý và duy trì bền vững mối liên hệ thầy trò, bằng hữu của mọi người ở đây. Tình thắm thiết, thân thiện, quan tâm và lo lắng lẫn nhau vì đồng ngành nghề, cùng môi trường, chung cảnh ngộ đã nối kết mọi người lại với nhau y như một đại gia đình trùng phùng vậy. Tôi gọi tắt sự diễn tả lòng vòng này là “thâm tình NLS” vậy. Dựa vào thâm tình này, tôi xem như mình được biệt đãi, được “ăn chực” danh chánh ngôn thuận. Chẳng những được ăn, được nói mà còn được gói mang về. Tôi mang về Cali một gánh nặng trĩu ân tình khó quên, muôn vàn kỷ niệm thân thương, quý báu của anh chị Công, Dũng, Thạnh, Quan, Liêm, Châu và nhiều anh chị khác ở Sydney. Cũng mang theo luôn cái raincheck hẹn hò trở sang ăn báo anh chị Công nuôi thêm ba tháng nữa. Anh chị hứa chẳng ngại tốn kém bao nhiêu vì tôi nhỏ con ăn ít và chỉ thích ăn cơm cá kho, canh rau dền đất vườn nhà nấu tép riu. Chuyện này xem ra tôi khó lòng quên lắm nha! Nên ráng gìn giữ cái “raincheck” của anh chị HVC cho thật kỹ mới được.
 
 
alt
Họp mặt đông đủ tại nhà anh chị HVC ở Sydney
 
Đã cao số thì dù ở đâu cái số vưỡn cao. Từ Sydney tôi bay thẳng lên Brisban để thăm anh chị Hà Thế Tạo và Nguyễn Thanh Liễu. Anh Tạo tuy đồng môn và đồng khóa với tôi nhưng vì anh hơn tôi vài tuổi nên tôi xem anh như anh cả. Chị Liễu là dân NLSBL. Đến đây thì vợ chồng tôi được anh chị cưng chiều quá đỗi nên tha hồ nhõng nhẽo. Chị Liễu là một người vợ, người mẹ tuyệt vời. Tôi chưa thấy ai chăm sóc, lo lắng cho chồng con chu đáo như chị. Có lẽ nhờ vào sự hy sinh, tài khéo léo và đảm đang của chị mà chồng con đều thành công, thành danh và thành tài vẻ vang, gia đình toàn vẹn, hạnh phúc. Ngày nào chị Liễu cũng ráng làm mấy món ăn đặc biệt và đặc sắc để đãi đằng chúng tôi. Nào bò xứ Úc, tôm cua, hải sản nổi tiếng và hoa quả vùng nhiệt đới cứ ăn mệt nghỉ. Anh chị Tạo Liễu không quản ngại công khó cực nhọc, tốn kém, đã đưa đi chơi đó đây thăm thắng cảnh mà lại còn làm tiệc lớn rồi mời thầy cô Nguyễn Viết Trương (cựu Khoa Trưởng DHNNCT) đến dự để thầy trò chúng tôi hội ngộ, hàn huyên nhân dịp ngàn năm một thuở nay. Lòng tốt của anh chị chúng tôi xin ghi tâm khắc cốt. Nếu không phải trở về vì lỡ mọc rễ sâu ở Cali thì tôi đã ở luôn nhà anh chị Tạo Liễu để vừa ăn chực thoải mái vô hạn định mà còn ăn vạ để lợi dụng lòng tốt dư thừa của gia chủ. Cũng may, tôi trở về kịp thời để thấy mình vẫn còn chưa đến nỗi phải đổi quần áo khổ lớn hơn. Chiến lợi phẩm mang về là tình thương mến ăm ắp và sự quan tâm lo lắng của anh chị dành cho. Quà quý giá mà chị Liễu không quản nhọc nhằn và tốn kém gửi bưu điện theo sau đến tận nhà là hột giống bông phượng đỏ, phượng vàng, các loại rau và cây thuốc đặc biệt. Tôi gieo hạt và đã lên được vài cây. Đang lo ngoắt lo ngoẻo không biết chúng có sống sót qua mùa đông này không. Đó là chuyện của đầu năm.
 
 
alt
Họp mặt thầy trò cũ tại Sydney Từ trái sang phải: Thu, Cô NVT, chị Thanh Liễu, thầy Ng Viết Trương, anh Hà Thế Tạo, anh Quý 
 
3
Bây giờ là chuyện giữa năm. Chuyện đi ăn chực vẫn còn dài dài. Lần nóng hổi mới nhất đã xẩy ra trong tháng Bảy năm này, vào dịp ĐHNLSBD kỳ hai tại San Diego. Tôi theo phái đoàn quan khách đi dự Đại Hội, phát xuất từ San Jose. Đoàn gồm anh chị ĐTL và HTH ở San Jose, anh chị VTĐ từ Canada xuống, Cô Vàng từ Hawaii sang, cô Nữ đến từ Úc và tôi - ở San Jose. Chưa bao giờ nhóm quần hùng tứ phương hội tựu về cùng một nơi một lúc đông đủ và vui như Tết như vậy. Chúng tôi mướn xe van lớn, anh Lung cầm lái phát xuất từ San Jose trực chỉ xuống phía nam Cali. Dọc đường gió bụi, anh VTĐ trỗ tài xuất chúng cho cả nhóm ăn chực với khách đi chung đường tại Rest Area. Chẳng là xe vừa ngừng tại trạm nghỉ để xả hơi, mọi người lật đật đi làm công việc vệ sinh cần thiết sau khi để mấy ổ bánh mì lên bàn. Anh Đức ra sau, đến nơi thấy không còn ai ở đó bèn đứng trông chừng kẻo có ai cầm nhầm thì đói cả lũ. Không ngờ vì anh Đức đứng hơi xa và đang thả hồn theo mây gió ra vẻ như lơ là với công tác nên họ không thấy. Hoặc trông dáng vẻ anh chẳng giống ông đô vật đồ sộ để có thể nhá hết một lúc 5, 7 ổ bánh mì nên có người tưởng là của nhóm họ và đã cầm nhầm thật. Số là, khi đó cũng có một chiếc xe khác trờ tới, họ đông người, thức ăn nhiều lủ khủ mang vào và chất đại lên bàn của chúng tôi. Một người trong bọn họ cầm lên ổ bánh mì của tụi này và mở ra định ăn. Bỗng trong đám có một phụ nữ chợt phát giác ra không phải bánh mì của họ mang theo, thế là họ dời tất cả thức ăn sang bàn kế cạnh. Lúc này người phụ nữ ấy mới phát giác ra anh Đức nãy giờ vẫn đứng im lìm, lặng thinh, không phản ứng, không đính chánh đòi lại chủ quyền của mấy ổ bánh mì. Chị bèn cất tiếng hỏi: “Phải bánh mì của anh không? Chúng tôi xin lỗi vì đã lấy nhầm.” Mãi đến bây giờ, (mà hình như có âm mưu dự tính ngay từ lúc đầu hay sao đó), anh Đức mới cất giọng ai oán trả lời: “Phải, nhưng mấy ổ bánh mì của tôi coi khiêm nhường quá so với thức ăn hết sức hấp dẫn và dồi dào của chị. Hay là chị cho tụi tôi… hùn chung nhe?” (Chà, hùn kiểu này đối phương từ thua tới lỗ thôi). Rồi anh lân la làm quen, nhìn bà con xứ Việt. Có lẽ thấy mặt anh vốn thê lương nên được mấy cô động lòng mời ăn cơm, xôi mặn, chè đậu, lại thân tặng thêm quà bánh và trái cây cho tụi này mang theo đường để ăn. Thật là tuyệt chiêu. Tôi phục tài anh Đức sát đất. Xin chào thua. Mà hình như anh thuộc bài bản này từ đời kiếp nào hay sao ấy mà áp dụng thật nhuần nhuyễn vậy đó. Cái kỹ thuật này nhất định tôi phải ráng nhớ học lấy để xử dụng về sau.
 
Vậy rồi nhóm lang thang này cứ tiếp tục ăn chực dài suốt dọc đường. Đến xế, chúng tôi trấp vào nhà chị Hương - vợ anh Đạo - một đứa em, một người bạn thân tình của anh Đức và anh Lung vừa phủi đời ra đi năm trước.  Chúng tôi ngủ qua đêm nhà Hương, sáng sớm hôm sau mới xuống San Diego. Anh Đạo là dân NLSBL và vừa mới qua đời trong sự đau đớn, thương yêu, luyến tiếc của người thân và tất cả bằng hữu. Tôi không quen biết anh Đạo, nhưng thường nghe nói về anh thật nhiều và đã cảm phục, quý mến anh vô cùng qua tình sâu nghĩa nặng mà anh luôn dành cho tất cả bạn bè, đồng môn. Chúng tôi viếng mộ anh trong sự xúc động bồi hồi, đã gửi đến anh bó hoa đẹp như tình bạn muôn thuở của anh và thắp nén hương thơm tưởng nhớ tấm chân tình và tấm lòng rộng rãi anh đã cư xử với mọi người. Mặc dù đang có đại tang nhưng chị Hương vẫn tiếp rước chúng tôi hết sức nhiệt tình, hậu hĩ và chu đáo với tất cả sự ân cần, vui vẻ của một gia chủ rộng rãi, tốt bụng. Chị dời cả chuyến đi cắm trại với con cái để ở nhà tiếp rước chúng tôi và tổ chức buổi họp mặt bỏ túi với nhóm bạn bè NLSBL tại đây. Cùng tiếp tay với chị Hương có chị Kim Anh – thân hữu của NLSBL – đã đến đây ngủ qua đêm để phụ nấu nướng, đãi đằng mọi người. Thật sự chị Hương chỉ là dâu mà cái tình liên hệ NLS trong chị thật đậm đà và cao quý y như tất cả thần dân NLSBL vậy. Chị làm tôi hết sức cảm động và có lẽ nhớ đời hương vị món bún bò Huế mà chị và chị Kim Anh đã nấu cho ăn tối hôm đó. Sang Mỹ trên 30 năm, lần đầu tiên tôi mới được thưởng thức món búng bò Huế nguyên thủy, không pha chế sai lệch như trong các nhà hàng bây giờ. Tôi ăn tối hôm đó rồi, mà sáng hôm sau vẫn còn làm mặt dày xin ăn thêm bún bò Huế lần nữa mặc dù đã ăn dĩa sôi đậu phọng mềm dẻo, thơm lừng do chị Kim Anh đã đặt nồi nấu từ nửa khuya trước khi đi ngủ. Phải chi chị Hương và Kim Anh ở gần San Jose chắc tôi cứ vác mặt mo đến xin ăn chực bún bò Huế của chị đều đều. 
 
alt
Ăn bún bò Huế tại nhà chị Hương ở Nam Cali
 
Xuống đến San Diego, sau đại hội thì nhóm chúng tôi vẫn tiếp tục theo chủ nghĩa thời cơ, không bỏ qua bất cứ dịp nào có thể được ăn chực.
 
Ở đời hễ có vay thì có trả. Mà trả cho người khác mới éo le chứ. Thật vậy. Nhiều lần tôi bất ngờ gặp “khách không mời mà tới” cũng chới với, giật mình hồi hộp và lo lắng sốt vó vì sợ thiếu thức ăn. Thế rồi nghĩ lại tội mình xưa nay nặng như núi, dài như sông nên phải ráng mà đền tội chứ than van gì. Nhưng được cái bù lại là “khách không mời mà tới” thường là những nhân vật rất đặc biệt, dễ mến, có tài hoặc có cá tính riêng mà sau khi khách về rồi mình cảm thấy thật vui lòng và hân hạnh được làm quen với họ. Đại để như hôm phái đoàn tựu về đây trước khi đi San Diego, tôi mời tất cả xuống nhà dùng cơm trưa sơ sài. Toàn quen thân cả, vả lại tài nấu nướng của tôi lúc nào cũng đứng hạng bét nên tôi có gì đãi đó, không cầu kỳ, không cao lương mỹ vị. Dè đâu hôm đó có 2 người khách lạ. Thật sự hôm đó tôi vô cùng bối rối khi được giới thiệu với anh Phạm văn Hùng đang ở SJ và cô Bùi thị Lợi - dân NLSBL – đến từ VN. Tôi lo lắng thức ăn quá đạm bạc để đãi đằng khách mới và nhất là người từ VN sang. Anh Hùng thì tôi hoàn toàn không quen biết. Nhưng anh dễ mến, khôi hài ý nhị. Trên bàn ăn có cả món mặn lẫn món chay. Anh cười ngạo tôi tiên tục đề huề. Cũng là một cách gỡ rối cho tôi đỡ ngượng. Riêng cô Lợi, tôi không quen nhưng biết nhiều qua những bài phóng sự thật đặc sắc và đầy hấp dẫn của cô trên trang NLBL. Cô viết đã hay mà người thì giản dị, đơn sơ, tánh tình thật dễ thương, ngầm chứa bên trong là cả một tâm hồn rất thừa chiều sâu. Mến phục văn tài của cô, rồi gặp được người thật càng thấy cô đáng quý hơn nữa. Được quen biết cô tôi thấy mình có số may quá đi thôi. Tôi nghiệm thấy rằng những “khách không mời mà tới” của tôi đều là những người rất đáng nên mời, rất đáng để mình làm quen, làm thân. Ngoài việc hoan hỉ vì có cơ may kết bạn, đó cũng là dịp để tôi trả nợ miệng đã vay lâu nay vậy. Luận người rồi xét lại thân phận mình, bỗng hết hồn. Băn khoăn lo lắng vì không biết mình có từng được xem như là một người khách “không mời mà tới” dễ thương không? Có được chủ nhà dành cho tí tẹo cảm tình nào không? Chắc là cứ phải thấp thỏm, phập phồng, hoang mang cho tới lần đi ăn chực kế tiếp để “find out”.
 
Thiệt tình mà nói, kể lể thành tích đi ăn chực thì chẳng có gì là vẻ vang cả. Nhưng sở dĩ có được những cơ hội như vậy là nhờ số tôi may mắn đã lọt vào gia đình Đại Học Nông Nghiệp Cần Thơ (K1), rồi đi lang thang nhập vào gia đình NLSBD và lân la làm quen với NLSBL. Tóm lại tôi xem mình tốt số nên lạc vào một đại gia đình NLS mà mọi thành viên đều cư xử với nhau qua tình nghĩa thầy trò, huynh đệ, bè bạn rất mực tương kính, quý mến và chân thật. Những tấm chân tình, sự thân ái và lòng nhân hậu này là món quà vô giá. Xin cám ơn tất cả đã cho tôi hạnh phúc này. Thì là… cao số mới được vậy đó mà.
 
Nguyễn Thị Thu