{jcomments on}
Em ngồi đó, giữa lớp học và lẫn trong đám hơn bốn mươi học sinh lớp 11 hay 12 Canh Nông tôi không nhớ chắc lắm. Trai có gái có. Tất cả cùng ngang ngang tuổi, cùng sàng sàng tầm thước và cùng chung màu áo nâu. Vậy mà tôi vẫn có thể tách em ra riêng biệt khỏi nhóm dễ dàng ngay từ buổi học đầu tiên. Suốt trong giờ dạy của tôi, em cứ nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt chim sẻ non nớt của em như chiêm ngưỡng, mơ mơ màng màng và có lúc mở to với tia nhìn cứ ánh lên cùng với nụ cười chúm chím trên đôi môi hồng như những hạt lựu chín mọng.
Em chăm chú theo dõi suốt buổi học nhưng dường như tâm trí em đang để mãi đâu đâu. Rồi từ đó tôi bắt đầu chú ý đến em nhiều hơn. Tôi thắc mắc không biết em đang nghĩ gì trong cái đầu bé nhỏ xinh xinh kia? Em hiểu được bao nhiêu? Học hành như thế nào? Có đủ chú tâm tập trung vào việc hoàn tất mục tiêu cho tương lai phía trước không? Một chút băn khoăn lo lắng cho em thoáng qua lòng tôi.
Nhiều ngày trôi qua. Tôi thường dõi theo dáng dấp mong manh ẻo lả của em cuối ngày học. Em đi, gót nhẹ khua trong chiều vàng nắng, tà áo nâu quấn quít vờn đôi chân sáo đang dẫm lên chiếc bóng xiên xiên đổ dồn về một phía. Em đi bóng cũng đi theo. Em vô tình và chiếc bóng cũng lặng thinh đuổi bắt những bước chân nai chưa lấm bụi đời. Tóc em buông dài theo năm tháng hồn nhiên, thả lơi theo tuổi ngọc đường hoa quanh trường, lòa xòa bay bay trong gió thôn đồng thoảng mùi lúa chín. Chiếc áo dài nâu ôm ấp tấm thân bé bỏng, dịu dàng nhưng thật cân đối và xinh xắn. Ngực em căng phồng đầy nhựa sống và tin yêu. Em gợi cho tôi hình ảnh một loài lan quý hiếm với cành lá mềm mại hài hòa cùng màu sắc thanh thoát và hương thơm thoảng nhẹ vào một buổi sáng sớm tinh sương. Một loài hoa yếu đuối nhưng bền lâu. Xinh đẹp nhưng hiền hòa. Ngây thơ và nhởn nhơ bừng nở từ nơi hoang vu rừng thẳm núi cao cho đến huê viên trang đài lộng lẫy.
Em thường để nón lá che hờ sau bờ lưng nhỏ, nghiêng nghiêng đầu cho tóc phủ một bên vai. Tay ôm khư khư chiếc cặp mỏng sát vào ngực khi đứng nói chuyện như đang ôm chắc tương lai huy hoàng trước mặt vào lòng. Em cười nói tíu ta tíu tít như chim vành khuyên hót vào một buổi sáng mới sang Xuân. Nắng, gió, hoa, cỏ, hương đồng nội hòa cùng tiếng hót chào đón bình minh. Thời gian như dừng lại trong khung trời hồng của em. Ngày tháng trải hoa lót đường cho tuổi ngọc ngà bên trang vở còn nhiều giấy trắng.
Qua nhiều buổi học, một hôm tôi có dịp hỏi em:
“Sao em cứ nhìn cô chằm chằm trong giờ học mà hình như không thấy cô đâu hết vậy?”
Em mỉm cười e thẹn, đầu cuối xuống như nhận lỗi. Rồi ngước lên với cái nhìn đầy tinh quái, liếng thoắng trong đôi mắt đang cười nhiều hơn cái miệng, em thú nhận:
“Em nhìn bàn tay cô. Cô có đôi tay đẹp quá à.”
Tôi hơi ngỡ ngàng. Vì câu trả lời ngoài dự tính của mình. Nhưng cũng từ đó tôi bớt dùng đôi tay để phụ họa thêm trong lúc giảng dạy như mọi lần. Tôi không muốn em bị phân tâm vu vơ, vô ích. Và thầm nói với em:
“Em tôi ơi! Em có biết đời đang còn nhiều thứ quan trọng cần thiết cho em nhìn hơn là đôi bàn tay gầy guộc của tôi không?”
Tôi và em có vài điểm tương đồng. Nhà em ở Bà Chiểu, Gia Định, nhà tôi ở Hàng Xanh, ven Sài Gòn. Cùng đi đi về về trên những chuyến xe đò Sài Gòn-Bình Dương. Cùng xuống một điểm: trường Trung Học NLSBD ở gần chợ Búng trên quốc lộ 13. Sau lần quen đó em xin đến nhà tôi chơi. Hình như em ghé được đôi lần. Những lần kế tiếp em đến không còn gặp tôi vì tôi đã chuyển về làm việc tại Ty Nông Nghiệp BD và được gửi đi công tác thường xuyên đến những nông trường miền Đông.
Rồi mây đen tăm tối phủ kín khung trời hoa mỹ của em. Trường đổi tên. Thầy cô kẻ ở người đi. Học sinh như đàn chim vỡ tổ bay túa ra bốn phương tám hướng vô định. Những khi cô quạnh nơi nông trường hay vùng kinh tế mới xa lắc xa lơ gần biên giới, tôi nhớ về ngôi trường cũ như một giấc mơ ngắn ngủi nhưng đầy ấm áp, thân thương để tự ủi an mình. Nhớ đến những bóng hình áo nâu ngây thơ vô tội đã sớm vội lìa đàn mà nghe xót xa trong dạ. Bao nhiêu giấc mộng tương lai sáng ngời của bày chim non giờ như ảo ảnh, như bọt biển tan loãng vào cơn sóng thần tàn bạo cuốn xoáy.
Có lúc nghĩ riêng về em tôi thường tự hỏi: em đã trôi dạt về đâu khi tan đàn sẩy nghé ? Nhiều lần tôi dò la với bạn bè của em, đứa thì bảo em xin đi làm cô giáo làng ở vùng Tân Uyên, đứa nói gia đình em gặp nhiều khó khăn nên em phải ra dạy học mãi tận khu kinh tế mới sát biên giới Việt Miên. Rồi hình như em có gia đình và theo cuộc sống bấp bênh về tận miền xa xôi hẻo lánh nào đó. Em mong manh yếu đuối như môt cành lan, liệu em có chịu đựng được phong ba bão táp luôn chờ đón em đâu đó không? Cuồng phong có vùi dập cuộc đời đang ngời sáng tin yêu và hy vọng tràn trề của em không? Tôi cầu mong bóng thời cuộc đen tối, thảm khốc không đổ ập xuống đời em, không nghiệt ngã che lấp chiếc bóng nhỏ bé xinh xinh đổ dài xuống sân trường NLS ngày nào.
Ký ức lu mờ dần theo tuổi đời chồng chất, tôi không còn nhớ tên em là gì nữa. Mà cần gì tên tuổi em nhỉ. Vì tên em là tên của tất cả những mảnh đời lưu lạc kém may mắn đã một thời ươm tuổi vàng, dệt mộng tương lai rực rỡ nơi ngôi trường đã bị xóa tên. Khuôn mặt em đã nhạt nhòa, không còn rõ nét trong tâm tưởng tôi. Nhưng không sao. Vì em đã hòa nhập làm một với tất cả những khuôn mặt từng một thời khoác chiếc áo nâu và giờ cũng đang trĩu nặng gánh đời bất như ý. Bóng dáng thân thương hiền hòa ngày ấy đã in đậm vào tim và theo tôi qua nhiều năm tháng. Em là tất cả. Tất cả là em. Là những đàn chim nâu mới chập chững biết bay đã bị dập vùi trong cơn sóng gió ba đào. Là những lớp người trẻ tuổi sinh lầm thế kỷ, lạc lõng vào đời lúc mơ chưa trổ hoa, mộng chưa kết trái. Tôi nhớ. Và tôi vẫn nhớ…
Đường đời vạn nẻo, nhưng tôi luôn ước ao có một lần – dù chỉ một lần thôi – cho tôi gặp lại em. Để em nhìn thật kỹ bàn tay tôi và thấy rằng cặp mắt nai vàng ngơ ngác của em ngày ấy đã lầm. Tay tôi không đẹp như em tưởng! Để tôi nói với em rằng tôi chỉ có đôi bàn tay xấu xí và vô dụng thôi. Vì nó đã không giúp ích được gì cho em và cho bạn bè của em cả! Nó đã không cứu vớt được những mảnh đời chim non vỡ vụn khi chưa đủ lông đủ cánh, chưa thực sự sẵn sàng rời bỏ tổ.
Nguyễn Thị Thu