Mùa Xuân mang những niềm vui cho các bạn ở quê nhà trong ngày lễ hội truyền thống 1-1-23 hằng năm... Cách nửa vòng trái đất... những cánh chim Nâu xa xứ đang co ro trong giá lạnh.
Bốn năm rồi đó... Kể từ ĐH5/NLSBDHN 2019 chúng tôi hẹn sẽ gặp lại nhau sau 2 năm... Rất tiếc chỉ vì Covid 19 chúng tôi cứ ngóng cổ mong chờ... Những đường dây viễn liên đã nối kết qua những lời thăm hỏi, để rồi chúng tôi đã ngồi lại với nhau, đi tìm chủ đề cho ĐH6 lần này: "Áo Nâu... Hoài Niệm"
Có lẽ Thầy Cô từng dạy học ở ngôi trường NLSBD khó quên được những giờ phút đứng trên bục giảng nhìn những gương mặt ngây ngô, dễ thương của học trò mình ở vùng quê đầy bom đạn chiến tranh.
Những lo âu cho những đứa học trò tuổi đời 14-15 phải xa gia đình, xa bạn bè đến trọ học ở nơi xa lạ...
“Tôi không hiểu vì duyên nợ kiếp nào với xứ Búng, và trường Trung Học NLS Bình-Dương...!? Vậy mà, tôi đã gắn bó với nó suốt mấy năm liền..."
Dù đã xa trường hơn mấy mươi năm, khi ngồi nhớ lại... hoài niệm về nơi mình đã từng ở trọ gần ngôi chợ Búng.
“Căn nhà của bà Bảy là một căn nhà gạch khá to, quét vôi màu trắng đục, chung quanh có tường rào xi-măng bao bọc khá cao, nằm ngay cạnh quốc lộ 13 cũ, tôi còn nhớ, đã đi bộ theo sau chân bà Bảy về từ cầu Bà-Hai, ngang qua mặt trước nhà lồng chợ Búng và phố xá của nó, rồi qua một, hai tiệm bán tạp hóa, có đặt mấy cái bàn bida phía trước cửa, rồi mới đến nhà bà. Trước nhà có một cái cổng nhỏ nằm ngay chính giữa bề ngang khoảng một thước tây, bên kia đường, xéo về phía phải, là cuộc cảnh-sát, che chắn bằng một cái cổng sắt cao, dài và một cái lô-cốt to-tướng, bự đùng, còn sát cạnh phải nhà bà Bảy, là một tiệm bán hủ-tíu, của người Tàu, khách hàng ra vô, khá tấp nập...”
Trích từ bài viết "Ở Trọ" của bạn Trần Đình Thảo CT/K3
Mời các bạn trở về những kỷ niệm của những ngày đầu tiên làm tân binh của ngôi trường NLSBD do bạn Trương Thị Thu Tịnh CN/K3 nhớ lại...
“Cuối thu năm 1968. Tôi từ giã gia đình lên Búng-Bình Dương trọ học. Tình cờ tôi kết bạn thân thương với Trần Thị Hường và các bạn khác ở lớp 8, trở thành Tân Binh Nông Lâm Súc Bình Dương …
Ngôi trường tôi học rất đơn sơ. Những ngày đầu tiên vào lớp, ánh sáng xuyên xuống bàn ghế từ những loang lỗ trên mái tôn, bất giác tôi muốn về Sài Gòn, nhưng tôi không thể...
Trên Quốc Lộ 13, từ Chợ Búng đến Trường Nông Lâm Súc Bình Dương, phía bên trái, đối diện với Trường Cộng Đồng là một dãy nhà lợp tôn, xây cất đơn sơ, ông Hai Rua đã cho khoảng 14 học trò chúng tôi mướn để che mưa, che nắng. Từ năm 1968-1975, trên dưới 50 học viên Nông Lâm Súc Bình Dương từng ở trọ nơi đó...
Ngôi nhà trọ chúng tôi lợp tôn nên nóng vô cùng, Anh Có thường kéo nước giếng dội lên mái tôn cho dịu bớt cái nóng của những buổi trưa hè. Mỗi chiều khi đi học về, Anh Có lo kéo nước giếng đổ vào cái lu trong nhà tắm, anh chưa kịp tắm thì Chị Năm, Lan Anh, Thu Hằng, Phỉ và tôi... tắm trước. Chuyện kéo nước trả lại nguyên trạng thì hầu như không có, hoặc rất hiếm hoi..."
Có Ăn mới có Học... học thì ngày hai buổi rất vất vả, còn ăn thì bửa no, bửa đói, mời bạn hoài niệm qua bài viết của bạn Trần Kim Chi về quán cơm xã hội ở chợ Búng....
“Quán cơm này chỉ cách trường hơn một cây số, bọn chúng tôi đứa thì đi xe đạp, đứa bách bộ đến ăn cơm. Quán nằm sát bờ kênh đối diện với chợ Búng. Lần đầu tiên đến quán, mới bước vào mũi tôi ngửi ngay mùi cơm gạo đỏ (mùi quen thuộc mà ở nhà mẹ tôi hay nấu cháo cho heo ăn)
Đến đây, tôi được bạn hướng dẫn mua thức ăn (kho, xào) và đặc biệt là cơm, canh được miễn phí không giới hạn số lượng cơm. Thật thú vị về điều này vì dân NLS sau khi lao động vất vả ăn cơm mạnh lắm các bạn ạ. Vậy là bảo đảm không sợ bị đói…
Quán cơm phục vụ cho mọi tầng lớp, không phân biệt hèn sang nhưng đa phần là dân lao động và học sinh những người có mức thu nhập thấp."
Nếu các bạn phải sống xa nhà, xa gia đình, trọ học nơi xứ lạ thì hoàn cảnh của quý Cô-Thầy cũng vất vả không kém.
Bài viết của Cô Huỳnh Thị Hương cựu Giáo Sư NLSBD An Mỹ gợi cho những người học trò càng cảm thương nỗi gian truân nơi xứ lạ quê người... của những Thầy Cô đã từng gắn bó với ngôi trường NLSBD lúc bấy giờ.
“Tôi là một cô giáo mới ra trường sư phạm khoá hai của Nha Học Vụ NLS, lỡ dại nghe lời chàng Đặng Tấn Lung "dụ dỗ" nên ráng mọi cách để được về trường trung học NLS Bình Dương nằm tại Búng, cách Sài Gòn khoảng 15 cây số, là một trường lớn được thành lập sau trường Bảo Lộc, Cần Thơ và Huế. Chúng tôi tốt nghiệp cuối năm 69, lớp Canh Nông thì có Vương Thế Đức (NLS Bảo Lộc), Tấn (NLS Cần Thơ) đưọc ưu tiên về tỉnh nhà, Trần Thi Ngọc (NLS Bảo Lộc) về trường cộng đồng Đông Ba (Lái Thiêu) và tôi, Huỳnh Thị Hương (NLS Bảo Lộc) về trường An Mỹ cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 7 cây số. Lúc chúng tôi được bổ nhiệm trường Đông Ba và An Mỹ chưa tuyển học sinh vào trung học nên chúng tôi tạm thời làm việc tại trường NLS Bình Dương. Mặc dù được về trường gần Sài Gòn mà tôi không phải dân SG, quê tôi ở Kiến Hòa, Tiền giang, nên tôi không thể đi về mỗi ngày như những thầy cô giáo khác, mà ở lại Bình Dương thì tôi lại không có thân nhân hay quen biết với ai cả. Lúc đầu tôi tạm ở trọ nhà cậu của anh Lung nhưng đã quen sống độc lập từ ngày ở nội trú trên trường NLS Bảo Lộc nên tôi cảm thấy không được thoải mái lắm mà xứ lạ quê người đành phải "giao trứng cho ác" là anh chàng Vương Thế Đức...”
Trích từ bài viết "Căn nhà số 13 đường Ngô Quyền" của Cô Huỳnh Thị Hương.
Qua chủ đề Áo Nâu... Hoài Niệm để nhớ về ngôi trường NLSBD của những ngày xa xưa ấy sẽ hiện thực trở lại bằng những hình ảnh trong kỳ Đại Hội 6 nầy. Ban tổ chức ước mong nhận được sự ủng hộ của quý Thầy Cô và các bạn đồng môn về tham dự, để có dịp chúng ta ngồi lại hàn huyên, tâm sự, ôn lại những kỷ niệm tuổi học trò của một thời không thể nào quên được.