Tiếp tục cuộc hành trình “bình thường hóa” cuộc sống sau hơn một năm dài bị cách dãn xã hội, anh Lê Nguyên Lễ, khóa 2 MS và anh Đặng Hữu Lợi, khóa 1 CN, gọi điện rủ chúng tôi tham gia kỳ họp mặt vài ngày nơi nhà vacation của anh Lưu Xẻn ở Pensacola, tiểu bang Florida. Các anh cho biết ngoài gia đình các anh và chúng tôi sẽ có sự tham dự của Cô Vàng, chị Sinh, Loan vợ của Huy, anh chị Nghĩa Phụng và anh chị Phạm Văn Thế từ Cali. Kỳ họp mặt này sẽ bắt đầu ngày 16 tháng 6 đến ngày 21 tháng 6, và các anh chị sẽ tùy hoàn cảnh có thể đến trước hay sau một ngày. Vì anh Lễ và bà xã Lâm sẽ qua Houston thăm cháu ngoại trước chuyến đi nên chúng tôi hứa sẽ cho anh chị quá giang ra phi trường Hobby để cũng bay đến Pensacola. Ngày 16 tây chúng tôi đến đón anh chị hơi sớm vì giờ bay bị dời lại nên anh chị rủ vào nhà thăm em bé mới sanh. Anh Lễ ra cửa đón chúng tôi với cháu ngoại ôm gọn trong tay. Cháu bé trai rất kháu khỉnh, tóc nhiều, nhân trung dài, môi đẹp rõ nét và đặc biệt hai tai rất tốt ôm sát vào đầu. Anh Lễ cho biết kỳ họp mặt này sẽ có cả vợ chồng chị Bạch Tuyết từ Florida lái xe đến, có chị Chung Thanh Tú và Cô Thiên, bạn Cô Vàng và cũng là cô giáo NLS, sẽ đi theo Cô Vàng. Vì số người tham dự khá đông nên các anh chị sẽ mướn hai phòng ở khách sạn cho 8 người ở, số còn lại sẽ ở nhà anh Lưu Xẻn. Chúng tôi ở chơi với cháu bé khoảng hơn một tiếng rồi sửa soạn ra phi trường. Lâm chỉ tôi xem một thùng mốp và nói đó là thùng thức ăn gồm bánh ướt, bánh phở, giò chả, xôi, bánh bao, đem theo xuống Pensacola vì những thức ăn này khó mua ở đó. Trên đường đến phi trường, tôi nhắc anh Lễ là hôm qua hãng bay Southwest bị tụi hacker phá hệ thống computer nên phải cancel hàng trăm chuyến bay, không biết hôm nay chuyến bay của mình có bị ảnh hưởng không. Đúng như sự lo âu của chúng tôi, khi vào đến nơi Southwest check in hành lý trong phi trường, chúng tôi thấy nhiều hành khách nhốn nháo khá hổn loạn. Vì nhiều chuyến bay bị đình trệ và hủy bỏ, ai cũng muốn hỏi thăm trong khi nhân viên Southwest chỉ có vài người để trấn an và trả lời câu hỏi. Khi biết rõ chuyến bay của chúng tôi đã bị hủy bỏ, và thấy trên Southwest app chúng tôi đã bị Southwest tự động dời lại ngày 18, hai ngày sau đó, có nghĩa là muốn bay ngày mai, 17 tây, cũng không được, chúng tôi quyết định sẽ mướn xe để lái xuống Pensacola, mặc dù biết rằng sẽ tốn khoảng 8 tiếng lái xe và sẽ đến nơi anh Xẻn không sớm hơn nửa khuya tối đó. Tôi lo lắng hỏi anh Lễ có chắc anh lái xe đường trường và ban đêm như vậy được không. Anh trấn an bảo anh chị đừng lo, tụi này lái xe đường xa thế này nhiều lần rồi. Anh Lễ liên lạc với anh Nghĩa xem tình hình máy bay của các anh ở Dallas thế nào. Anh Nghĩa cho biết, tất cả mọi người từ Cali và anh chị Lợi từ Minesota đã có mặt ở Dallas, các anh chị sẽ đi cùng chuyến bay đến Pensacola và hình như máy bay cũng bị trễ.
Khi chúng tôi ra đến văn phòng mướn xe của hãng Dollar Rent A Car, số người mướn xe tuy không đông lắm nhưng trong bãi đậu xe có rất ít xe cho mướn. Trong lúc chờ xe, Lâm và tôi nhìn nhau, hình như hiểu ý rằng số tụi mình long đong, lần nào đi chơi cũng bị trở ngại. Sau hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới lấy được xe, anh Lễ kiểm soát chiếc xe từ trong ra ngoài, ghi chú và chụp hình vài tì vết để tránh phiền phức khi trả xe. Chúng tôi rời nơi mướn xe và bắt đầu cuộc hành trình vào khoảng 4 giờ chiều Houston. Với quyết định tự lái xe đi Pensacola, chúng tôi thấy an tâm hơn là phải chiến đấu phiền phức với hãng máy bay Southwest, chỉ tiếc một điều là nếu biết máy bay sẽ bị hủy bỏ từ sớm, chúng tôi sẽ đi sớm hơn và chắc có lẽ giờ này chúng tôi đã gần tới nơi anh Lưu Xẻn rồi. Tính ra từ Houston, chúng tôi phải đi xuyên qua tiểu bang Louisiana và Mississippi để đến Pensacola của Florida, và sẽ qua những thành phố nổi tiếng như Beaumont của Texas, Lake Charles, La Fayette, New Orleans của Louisiana rồi Mobil và Biloxi của Mississippi. Cũng may lúc rời Houston mới có 4 giờ nên xe cộ trên freeway không đến nỗi kẹt, anh Lễ không gặp trở ngại nào để ra được đường I-10, con đường xuyên bang huyết mạch sẽ dẫn dắt chúng tôi đến Pensacola. Anh em chúng tôi thấy phần nào đói bụng nên Lâm và tôi lấy thức ăn mời mọi người. Nhờ trời mùa Hạ ban ngày dài hơn ban đêm, khi chúng tôi đến ranh giới của Texas và Louisiana trời vẫn còn sớm. Xe cộ bắt đầu thưa thớt vì vùng này ít dân cư. Tôi để ý nhiều xe với bảng số của tiểu bang Louisiana. Tôi chợt nhớ lại những chuyến du hành về thăm gia đình ở Houston trong thời gian chúng tôi sinh sống ở Baton Rouge. Cũng con đường này chúng tôi đã đi qua hầu như mỗi cuối tuần, giờ đây nhìn vẫn vậy không thay đổi mấy. Khi gần đến Lake Charles, xe trên đường bỗng đi chậm lại, hình như có trở ngại gì phía trước. Vài phút trôi qua, anh Lễ nóng ruột lên tiếng, “Chắc có tai nạn hay sao phía trước, mình có nên exit chổ này để tránh kẹt xe hay không?” Tất cả đồng ý vì cuộc hành trình còn quá dài, không thể nằm chờ được. Anh Lễ tách khỏi xa lộ rồi chạy theo những xe phía trước, len lỏi vào vùng địa phương để tránh đoạn xa lộ đang bị tắt nghẽn. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy vài quán ăn có rất nhiều xe trong bãi đậu xe, hình như đây là những quán ăn nổi tiếng vì là ngày trong tuần mà có chừng ấy khách. Qua một số đường làng, vài xe phía trước hình như đã nhập lại vào xa lộ. Anh Lễ vẫn một mực thấy chưa đúng lúc, cố gắng chạy thêm một ít nữa. Cuối cùng anh đã tìm được nơi vào lại đúng nhất, nơi đó vừa quá khỏi chiếc xe truck bị chết máy, nguyên nhân của việc tồn đọng xe mà chúng tôi phải né tránh mấy phút vừa qua. Anh Lễ cười lớn, khoan khoái: “Đã nói mà, thông minh dễ sợ.” Chúng tôi cười òa, công nhận anh kiên trì và thông minh xuất sắc… Khi xe qua khỏi Lake Charles, nơi nổi tiếng với những sòng bài lớn mà dân chúng của cả hai tiểu bang Louisiana và Texas ưa chuộng, chúng tôi thấy có nhiều building cao có vẻ còn mới thấp thoáng chỗ downtown của Lake Charles. Đây cũng là thành phố kỷ niệm những lần interview với những hãng hóa học lúc tôi mới ra trường, mới đó đã mấy chục năm rồi. Trời bắt đầu ngã bóng hoàng hôn, chúng tôi dừng lại trạm đổ xăng cạnh xa lộ vài phút rồi tiếp tục cuộc hành trình về hướng Baton Rouge. Khi qua thành phố này, chiếc cầu bắt ngang sông Mississippi đã lên đèn. Bên tay phải cầu là Port Allen, nơi có hãng Dow Chemical. Bên tay trái về hướng Baton Rouge airport là hãng Exxon, nơi sáng chói ánh đèn lúc đêm về. Thành phố Baton Rouge vẫn còn chỗ đứng quan trọng trong trái tim của chúng tôi, vì đó là nơi chúng tôi sinh sống, lập nghiệp đến 9 năm trời. Nơi đây, tuy không xa hoa tráng lệ nhưng dân chúng sống rất có tình. Trên xa lộ I-10, nhiều bảng chỉ đường với những tên đường thân quen, đây là exit vào LSU, một trong hai Alma-Maters của thời tuổi trẻ, đây là Essen Lane exit, đường vào khu apartment Chateaux Dijon, nơi chúng tôi tạm trú khi mới chân ướt chân ráo đến thành phố này. Trời đã mờ mờ tối, nhờ vậy Lâm vợ anh Lễ mới không thấy khóe mắt ngấn lệ của tôi khi thấy lại cảnh cũ đường xưa. Trong cảm xúc tự nhiên, tôi lên tiếng cảm ơn anh Lễ và Lâm đã vì hoàn cảnh tình cờ mà hôm nay đưa chúng tôi về thăm lại thành phố Baton Rouge yêu dấu này. Từ Baton Rouge, chúng tôi rẻ qua đường 12 để tiến về Mississippi. Trên đường 12, chúng tôi đi xuyên qua vòng đai của thành phố New Orleans, nơi nổi tiếng của French Quarter với mùi cà phê Du Monde đậm đà và bánh French donut Beignets. Xe trên đường càng lúc càng thưa báo hiệu đêm đã về khuya và chúng tôi đang dần rời xa tiểu bang Louisiana. Anh Lễ vẫn tỉnh táo đến lạ thường, đúng như anh đã nói từng có kinh nghiệm chạy xuyên bang ban đêm. Biết trời đã khuya, Lâm gọi điện báo tin cho Cô Chú tinh thần của Lâm, cư ngụ ở Pensacola, để báo tin không gặp được tối nay vì sẽ đến rất trễ và hẹn sáng mai sẽ gặp. Khi qua hết những khoảng xa lộ có đèn đường, tiếp nối là những khoảng tối đen hình như là biên giới của Louisiana và Mississippi. Tuy không nhìn thấy gì, nhưng chúng tôi có cảm giác như mình đang chạy song song với bờ biển bên tay mặt. Qua đoạn đường không đèn đó, chúng tôi thấy xe cộ bắt đầu lác đác trở lại. Tuy có vài chiếc xe làm bầu bạn nhưng chúng tôi cảm thấy một mình một xe thênh thang. Anh Lễ có vẻ muốn rút ngắn đoạn đường nên có lúc tôi thấy anh chạy vận tốc trên 90 dậm. Chợt thoáng trong chớp mắt, chúng tôi thấy ánh đèn xanh đỏ chớp lên và hình như ánh đèn đó theo sau xe chúng tôi. Anh Lễ giảm tốc độ và tấp vào lề đường. Chúng tôi nơm nớp lo ngại không hiểu lý do gì mà bị cảnh sát theo sau. Khi anh cảnh sát đến gần, ông xã tôi ngồi đằng trước quay kiếng xuống. Anh cảnh sát chào chúng tôi rồi cho biết xe chúng tôi theo xe đi trước quá gần, sợ dễ gây tai nạn. Anh cảnh sát hỏi chúng tôi đi đâu và mỉm cười khi nghe nói chúng tôi đi Pensacola từ Houston. Ông xã tôi muốn lấy cảm tình nên khoe tụi tôi là dân Baton Rouge lâu năm và anh Lễ là người từ Denver xuống đây thăm. Anh cảnh sát dặn dò phải cẩn thận rồi thân mật chào good night. Lúc đó chúng tôi mới hoàn hồn, nhẹ nhõm. Thôi thì chạy giữ khoảng cách một chút cho an toàn vì chúng tôi mới đi được nửa đoạn đường. Một lát sau, Lâm liên lạc với chị Tú để bàn về việc check-in Hotel. Chị Tú cho biết nhóm Cali đã đến, đang ăn chiều gồm có món cá nướng cuốn bánh tráng. Chúng tôi nghe cũng nóng ruột nhưng đường còn dài nên tôi và Lâm tiếp tục hàn huyên. Hai chị em nói vòng vo nhiều đề tài và cố gắng né tránh tên của bà chủ tịch Hạ Nghị Viện “linh thiêng” kia mà chuyến đi chơi trước đây đã làm chúng tôi mất vài tiếng đồng hồ sửa xe trên đường. Khi xe đi qua cây cầu dài có đèn sáng chưng hai bên, chúng tôi đọc bảng tên đường mới biết mình đang đi xuyên qua thành phố Mobil. Nổi tiếng là một thành phố du lịch của miền Nam nước Mỹ, Mobil có nhiều tòa nhà hiện đại và quan cảnh thật hữu tình về đêm. Hình như thành phố này thích ánh sáng vì dãy đèn đường kéo dài vô tận, tạo một cảm giác an tâm, bình yên dù đã về khuya. Qua khỏi Mobil một ít lâu chúng tôi thấy hai bên đường bắt đầu có nhiều bảng quảng cáo hotels, resorts báo hiệu chúng tôi đang tiến về thành phố Biloxi, nơi có nhiều sòng bài nổi tiếng. Từ Biloxi, chúng tôi đoán còn độ 2 tiếng nữa sẽ đến nơi anh Lưu Xẻn. Chúng tôi tách vào đường trong để đổ xăng và vệ sinh thêm lần nữa. Anh Lễ có dịp châm điếu thuốc để tỉnh táo hơn. Trở lại xe, anh Lễ và Lâm bàn với nhau sẽ ghé lại Hotel để lấy chìa khóa phòng rồi mới đến nhà anh Lưu Xẻn. Chị Tú cũng gọi cho Lâm vài lần để cho biết tình hình khách sạn. Loan vợ của Huy cũng cho biết, các anh chị bay đến trễ đang ăn cá nướng hiệp hai, khi chúng tôi đến sẽ có cá nướng hiệp ba. Rời Biloxi, chẳng bao lâu đèn đường đã trở lại và quan cảnh nhà cửa phố xá đông đúc hơn cho hay chúng tôi đang sắp vào thành phố Pensacola. Để tới nhà anh Xẻn ở thành phố Pace, chúng tôi phải đi qua Pensacola để đến Hotel và từ đó cách nhà anh Xẻn khoảng 8 miles. Vào đến Pensacola, chúng tôi không gặp trở ngại khi tìm đường đến Hotel. Trong khi anh Lễ vào lấy chìa khóa, tôi text cho anh Xẻn báo tin chúng tôi sẽ đến sau 15 phút nữa. Anh Xẻn trả lời sẵn sàng mở cổng chờ. Mười lăm phút sau, chúng tôi quẹo vào con đường làng đất đỏ, lạ lẫm nhưng biết phía trước sẽ là bao nhiêu bạn bè đang chờ đợi. Anh Xẻn ra mở cổng cho chúng tôi. Bước xuống xe đến chào anh, chúng tôi tay bắt mặt mừng. Lâm, anh Lễ và ông xã tôi thở phào nhẹ nhỏm, không ngờ mình vừa hoàn thành chuyến xuyên bang 8 tiếng đồng hồ, khởi hành lúc 4 giờ chiều Houston và có mặt ở nhà anh Xẻn vừa quá 12 giờ đêm. Bước vào nhà, người chúng tôi thấy đầu tiên là Cô Vàng đang ngồi trên võng, Cô nói: “Lần đầu tiên Cô thấy Hường bơ phờ.” Cả đám chúng tôi cười rộ. Chúng tôi chào hỏi Chị Xẻn, Chị Sinh, Anh chị Lợi, Anh chị Thế, Anh chị Nghĩa Phụng, Loan rồi nhập cuộc với các anh chị ở bàn ăn. Đúng như Loan nói, món cá nướng của chị Xẻn quá ngon, nước mắm quá đậm đà, nghe nói anh chị Xẻn mang từ Texas qua, và dĩa rau sống với nhiều loại rau thật lạ miệng, thật ngon. Vừa ăn chúng tôi vừa kể lể cho tất cả nghe nỗi đoạn trường của chuyến đi. Cũng may, tuy có mệt mỏi vì đường xa nhưng chúng tôi đã đến nơi an toàn. Phải công nhận bản lĩnh lái xe của anh Lễ thật xứng danh NLS Bình Dương nhà mình. Anh Xẻn cho chúng tôi biết kỳ họp mặt này tổng cộng có 17 người. Cô Vàng, Cô Thiên, Anh Lễ và Lâm, Chị Tú, Chị Sinh và anh chị Bạch Tuyết có phòng ở Hotel lúc nãy chúng tôi ghé lại lấy chìa khóa. Ở tại nhà anh Xẻn thì có Anh chị Lợi, Anh Thế với bà xã Linh, Anh chị Nghĩa Phụng, Loan và chúng tôi. Theo sự phân phối của anh Xẻn, chúng tôi sẽ dùng một phòng, các chị gái sẽ ở chung một phòng còn các anh và chị Linh thì ngủ tại phần nhà chái anh Xẻn cất thêm, nơi chúng tôi đang ăn tối, có đầy đủ máy lạnh, bếp núc, vài cái võng và tấm đệm để ngủ. Sau khi ăn, đưa tiễn Cô Vàng, Cô Thiên, chị Sinh, anh Lễ và Lâm về Hotel, chúng tôi đem hành lý vào phòng và ngủ một giấc ngon như chưa từng được ngủ.
Sáng hôm sau, ngày 17 tây, khi chúng tôi thức dậy, trở ra bàn ăn đêm hôm trước thì thấy anh Nghĩa, anh Lợi, anh Thế, chị Linh và Loan đã thức rồi. Tôi thấy có một chị lớn tuổi đứng gần bếp, mọi người nói đó là chị Hai của Chị Xẻn. Ngồi uống cà phê và nói chuyện với các anh chị, tôi cảm nhận được sự bình yên, êm ấm của tình bạn hữu lâu lắm mới gặp. Hầu như lúc này, những khó khăn, thử thách đem đến suốt năm qua bởi đại dịch, những hoang mang xuất phát từ biến đổi chính trị và từ nền kinh tế lạm phát, tất cả chỉ là vấn đề rất nhỏ trong tâm trí chúng tôi, tất cả hình như đã bị lãng quên khi chúng tôi đang ngồi mặt đối mặt với nhau, hàn huyên, thăm hỏi như thời còn tổ chức Đại Hội mỗi hai năm. Trong khi ông xã tôi đi một vòng tham quan ở ngoài, tôi hỏi thăm sức khỏe chị Hai mới biết chị đã trên 80 mà trông rất khỏe mạnh. Nhìn tướng chị Hai thư thả thong dong, khó mà tin khi chị cho biết lúc trẻ cũng vất vả mưu sinh, chỉ mới rảnh rỗi khi lớn tuổi. Chúng tôi bày biện đồ ăn sáng với bánh bao và xôi Lâm đóng thùng hôm qua, có cả xôi vò và bánh bao do Cô Vàng tự làm đem theo. Nghe nói Cô Vàng, Cô Thiên, chị Sinh, chị Tú, chị Bạch Tuyết và ông xã Quang đến nơi anh Xẻn trước một ngày. Vì số người tham gia kỳ này khá đông, các anh đã tính trước nên anh Lợi mướn một chiếc xe van 15 chỗ ngồi ngày hôm qua khi anh đáp xuống phi trường Pensacola. Nếu tất cả mọi người và anh chị Xẻn đi chơi, anh Xẻn sẽ lái thêm chiếc xe truck của anh đi kèm theo chiếc xe van mướn cho đủ chỗ. Một lát sau, tất cả mọi người bên Hotel qua đến nhà anh Xẻn, chúng tôi chào anh chị Bạch Tuyết và chị Tú vì lâu quá mới gặp các anh chị. Tôi nghe nói mắt của chị Tuyết bị đau, nhìn chị mà lòng tôi đau thắt. Trước khi đi xuống đây, qua Facebook tôi cũng nghe chị Sinh nói có vấn đề về mắt của chị. Cầu nguyện Ơn Trên giúp các chị tìm được thầy thuốc giỏi để vượt qua sự hiểm nghèo. Trước khi ăn sáng, anh Lễ cho chúng tôi biết đã đem xe mướn từ Houston ra phi trường trả xong rồi. Mọi người vừa ăn sáng vừa bàn với nhau chương trình sinh hoạt trong ngày. Loan vợ của Huy đề nghị đi tắm biển ngay hôm nay vì nghe nói sẽ có cơn bão thổi vào Louisiana và Mississippi, có thể sẽ đem mưa đến vùng Pensacola. Vì nơi đây có nhiều vùng biển nhưng nổi tiếng nhất là biển Destin với nước biển xanh và cát trắng, chúng tôi đồng ý chọn Destin. Anh Xẻn cũng cho biết là vì sẽ có bão nên các tàu đánh cá đã quay về và sẽ không đi biển mấy ngày tới, nếu tụi mình muốn ăn seafood tươi thì sáng hôm nay nên đi lấy hàng, có tôm cá gì thì nên lấy vì sau đó không có nữa. Trong lúc anh Xẻn và anh Lợi đi lấy đồ biển, các chị gái tấp qua nhà dì Sáu của anh Xẻn ở kế bên để xem vườn trồng rau. Đúng như lời anh Xẻn kể trước đây, vườn của nhà Dì không thiếu món gì. Với mảnh vườn sau không quá lớn, Dì và Dượng đã trồng đủ loại rau thơm, ớt, rau cần cua, mướp, đậu bắp, rau muống, rau lang, đậu phọng, vài loại cây ăn trái như cây lê, đu đủ, sung, nhiều loại hoa và cây làm thuốc. Dì Dượng còn nuôi gà ở một khoảng của vườn. Khi bước ra sân phía trước nhà, chúng tôi mới thấy rõ sự siêng năng của Dì Dượng qua những công trình landscaping, công trình nghề mộc của Dượng. Thế mới biết chúng ta ai cũng có 24 tiếng đồng hồ một ngày, nếu biết cách dùng thời giờ, mình sẽ làm được biết bao nhiêu việc. Từ nhà Dì Dượng nhìn qua sân nhà anh Xẻn, chúng tôi thấy sân trước được thiết kế với những ô vuông cỏ xanh, viền bằng sỏi trắng và nhiều loại hoa đầy màu sắc rải rác khắp sân. Tất cả trông rất hài hòa, đẹp mắt.
Khi anh Xẻn và anh Lợi trở về chúng tôi cùng giúp lấy đồ biển ra từ hai thùng mốp lớn. Các anh đã mua được nhiều tôm tươi, ghẹ xanh, ốc và mực nhỏ với giá rất rẻ. Chắc chắn chúng tôi sẽ nấu những món đồ biển cho buổi cơm chiều nay. Ngay lúc đó, chị Xẻn đề nghi hấp ghẹ đem ra biển ăn, ý kiến của chị quá hay nên tất cả đều đồng ý.
Khi mọi người đã chuẩn bị xong và sẵn sàng đi biển, chúng tôi mới biết là anh chị Xẻn sẽ không đi cùng vì đã hẹn người đến sửa cái freezer bị hư. Tất cả bọn chúng tôi gồm 17 người chất lên chiếc xe van, đem theo ghế ngồi, cây dù che nắng và thức ăn gồm ghẹ luộc và bia. Anh Quang, ông xã của chị Bạch Tuyết làm tài xế chính với sự hổ trợ của tài xế phụ, anh Lễ, ngồi bên phải. Lâm và anh Lễ gợi ý muốn ghé qua nhà của Cô Chú Hiếu vì đã hứa sẽ gặp hôm nay và nhà Cô Chú cũng trên đường đi đến Destin. Dù chúng tôi 17 người ngồi san sát trong chiếc xe 15 chỗ, việc ngồi chật đã không cản trở những câu chuyện tiếu lâm cười đến đau bụng. Đó cũng là “signature” của dân mình. Hể nơi nào có NLSBD là nơi đó có tiếng cười. Ngồi ở băng ghế sau cùng, tôi có cảm giác như mình đang ngồi trên chiếc school bus với đông đảo bạn bè chọc ghẹo, phá phách lẫn nhau. Có anh nào nói đùa, hôm nay tụi mình đang cúp cua đi chơi nhưng lại có dắt theo hai Cô giáo, đó là Cô Vàng và Cô Thiên. Cả đám lại cười rộn lên. Sau 30 phút đi về hướng Destin với sự chỉ dẫn của Lâm, cuối cùng chúng tôi đã tìm được nhà Cô Chú Hiếu trong một khu rất thanh tịnh và lịch sự. Tôi đoán khu này khoảng 10 năm cũ trở lại. Anh Lễ và Lâm xuống xe, vào gõ cửa cho biết chắc đó là nhà Cô Chú. Tích tắc sau, Chú mở cửa, tươi cười mời cả phái đoàn vào chơi. Vào đến nhà, ngắm nhìn Cô Chú, tôi liên tưởng đến những gia đình sĩ quan cao cấp thời trước 75 vì tướng Cô và Chú rất quý phái, lịch lãm. Chú dẫn chúng tôi xem vườn sau nhà. Vườn có hai cây Quỳnh lá xanh tươi tốt và nhiều giống Lan quý, nhiều loại rau và cây kiểng được trồng ngăn nắp trong chậu hoặc ngoài đất, đặc biệt có loại ớt kiểng, trái nhỏ như blueberry nhưng màu vàng khi chín. Chúng tôi chụp hình với Cô Chú làm kỷ niệm và mời Cô Chú đến nhà anh Xẻn chơi với chúng tôi ngày mai. Khi xe rời nhà Cô Chú, nhìn cách Chú ra dấu cho anh Quang de xe, tôi cảm nhận Chú có liên quan đến ngành không quân thời Chú còn trẻ. Sau này hỏi ra chúng tôi mới biết Chú đúng là Thiếu Tá Không Quân lúc trước.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình ra biển Destin. Vì là ngày trời tốt trước cơn bão nên đường xá đông xe, hình như ai cũng muốn đi tắm biển trước khi không được ra biển một vài ngày. Chúng tôi tiếp tục kể chuyện vui cho nhau nghe, hình như giao phó toàn quyền cho hai anh Quang và Lễ tìm bãi để tắm. Đến khi thấy xe cứ đi lòng vòng không tấp vào nơi nào, chúng tôi mới ngộ ra rằng chuyện tìm bãi tắm không phải dễ. Sau cùng, chúng tôi đồng ý tìm đường đi đến nơi mà anh Xẻn đề nghị trước đây. Nơi đó vừa có bãi biển vừa có Outlet mall để shopping. Khi anh Quang chạy xe ngược lại để đến nơi đó, anh bỗng thấy bên kia đường có nhiều xe đậu và có bóng dáng người tắm biển trở về xe của họ, thế là anh Quang lập tức sang lane, quẹo trái qua bên kia đường, đậu vào nơi còn trống và tuyên bố đây là bãi mình có thể tắm. Sau cái quẹo trái hú hồn của anh Quang, mọi người đồng ý anh đã quyết định kịp thời và mừng vui đã tìm được nơi tắm thay vì phải chạy xa hơn nữa. Chúng tôi lần lượt đem tất cả đồ đạc xuống bãi và tìm nơi cắm dù chống nắng cho nhóm của mình. Mọi người cùng thay đồ, thoa kem chống nắng, các Cô các Chị không tắm trải ghế ra ngồi. Khi thấy mọi người đã sẵn sàng, tôi kêu gọi tất cả đứng vào để chụp hình lưu niệm.
Nhìn chung bãi biển Destin không làm chúng tôi thất vọng, ngoài bãi cát trắng mịn, nước biển có màu xanh cẩm thạch nhẹ, tạo cảm giác mát lạnh. Vì nước biển sạch nên bãi biển cũng sạch. Dân tắm biển cũng không đông lắm, ngồi từng gia đình một dưới dù chống nắng của họ. Tôi nhìn xa xa, thấy có một số người chơi parasailing lơ lửng trên bầu trời. Gió từ biển thổi vào từng đợt thật thoải mái nên các Cô và các Chị nhìn thật bình yên. Để vận động thư dãn tay chân, Chị Tú rủ Cô Thiên đi dạo trên bờ biển. Đây là sự bình yên, nhàn nhã mà chúng tôi từng mong đợi khi có kế hoạch đi xuống đây. Pensacola với bãi biển Destin, biển xanh cát trắng, nắng ấm tình nồng. Khi tôi hướng mắt về các anh chị đang tắm dưới biển, tôi mới nhận ra là ông xã tôi và anh Thế cứ lặn hụp theo từng đợt sóng vào bờ, rồi các anh khác phải kéo hai ông lên, rồi cả đám rủ nhau cười. Hóa ra sóng biển ở đây rất mạnh, ông xã tôi chưa quen, chân còn yếu nên dễ té khi sóng mạnh đánh vào, và rồi vì không bám chân chặt đã có đợt sóng khác kéo vào thêm làm ổng lại bò càng. May mà có các anh khác chung quanh đỡ ổng lên. Anh Thế cũng gặp tình trạng như ông xã tôi, đứng lên rồi lại té xuống. Thế mà khi ông xã tôi và anh Thế quen với sức mạnh của sóng, hai người lại có vẻ thích thú và ở lại nhảy sóng rất lâu.
Sau khi tắm biển đã khá lâu, các anh chị từ từ lên bờ và bày ghẹ hấp ra ăn. Nước uống cũng đầy đủ với bia và nước suối. Cả đám quay quần vừa ăn vừa kể chuyện vui cười. Tôi thấy mọi người đông đủ nên chụp thêm mấy tấm hình cho nhóm rồi đề nghị ai muốn chụp theo cặp hoặc một mình thì sẽ chụp cho. Các anh thấy vui quá nên đề nghị từng cặp phải làm một video tỏ tình. Chúng tôi có dịp cười lăn lộn với sự sáng tạo của các anh, nhất là anh Quang tỏ tình với chị Tuyết “mạnh bạo” đến nỗi anh chị lăn té trên cát. Chúng tôi nghĩ hồi xưa mà anh tỏ tình kiểu đó thì chắc chắn chị Tuyết sẽ “chạy mất dép”. Từ sáng kiến này ra sáng kiến khác, anh Lễ và anh Quang biễu diễn một màn “không biết nói sao nhưng xem clip rồi biết”, các chị thì biểu diễn một màn chạy bộ đua trên bãi biển như trong phim Chariots of Fire, cuốn phim đã được giải thưởng nhạc phim xuất sắc nhất.
Nhìn mọi người tươi trẻ dưới ánh nắng mặt trời và mây trắng, nước xanh của biển, tôi cố gắng chụp hình cho các anh chị ở nhiều góc cạnh. Đặc biệt chị Phụng trông thật xinh đẹp với vóc dáng gọn gàng trong bộ đồ tắm kèm theo khăn choàng thanh nhã. Chị nhìn trẻ hẳn ra như cô thiếu nữ 18, lại có nét rất giống ca sĩ Khánh Hà. Tôi gọi anh Nghĩa đến ngồi cạnh chị để chụp cho hai người một tấm. Chắc chắn con cháu của anh chị khi xem phải trầm trồ. Sau đó có ý kiến mọi người chụp hình theo khóa. Tôi nghĩ đây là ý kiến dễ thương và cảm động nhất trong ngày. Chúng tôi lần lượt chụp từ Khóa 1 với anh chị Lợi, chị Sinh, chị Tú; Khóa 2 với anh chị Nghĩa Phụng, anh chị Thế, anh Lễ và Lâm; Khóa 3 với anh chị Bạch Tuyết, tôi và ông xã và Loan vợ Huy đại diện cho Khóa 5. Chụp hình xong, các anh chị rủ nhau xuống nước chơi đợt nữa, tôi và ông xã dạo chơi trên biển một ít rồi ổng lại muốn xuống biển tiếp tục nhảy sóng. Khi trời gần xế chiều, tuy lòng vẫn còn luyến tiếc với biển, tất cả đồng ý đến lúc sửa soạn để về.
Về đến nhà, chúng tôi thấy ông thợ sửa freezer vẫn còn đang nói chuyện với anh Xẻn. Nghe nói ổng đã tìm ra vấn đề nên sẽ trở lại lần sau để sửa cái freezer. Chúng tôi bắt đầu sửa soạn cơm chiều gồm những món đồ biển như tôm, ghẹ, ốc, mực hấp. Sau một ngày chơi ngoài trời, chúng tôi lại quay quần bên nhau bên buổi cơm chiều, chung một mái nhà.
Ngày hôm sau, ngày 18 tây, thời tiết cảnh báo sẽ có mưa lớn kéo theo cơn bão lúc sáng đã đổ bộ vào New Orleans. Mưa lớn sẽ xảy ra từng đợt trong vùng nơi nhà của anh Xẻn. Tuy dân làm biển đã không ra biển nữa nhưng họ vẫn còn hải sản, nên họ gọi anh Xẻn nếu cần thêm đồ biển thì đến lấy. Anh Xẻn và anh Lợi bèn làm thêm một chuyến chợ hải sản và đem về thêm tôm, cá tươi và ghẹ xanh. Ở nhà, chúng tôi tụ năm tụ bảy nói chuyện chơi trong lúc chờ hai anh về. Nhân cơ hội không có mặt anh chị Xẻn, tôi thông báo cho mọi người rằng qua sự bàn tính tối hôm qua, tôi đã đặt mua một nồi nấu lẫu và nướng để làm quà lưu niệm cho anh chị Xẻn. Amazon sẽ phát món quà đó vào ngày Chúa Nhật, các anh chị còn ở lại hôm đó sẽ thay mặt cả nhóm để trao quà cho anh chị Xẻn. Trước khi xuống đây, anh Xẻn có nhắc khi vào mùa trái cây thì chợ Việt Nam có bán rất nhiều loại trái cây và rất tươi vì được chuyên chở thẳng từ Florida đến Pensacola. Khi anh Xẻn về, chúng tôi đề nghị mình nên đi chợ trái cây xem họ có bán gì không. Tôi, Loan, Chị Anh vợ anh Lợi và Chị Tú xung phong cùng đi với anh Xẻn ra chợ tìm trái cây. Đến nơi, chúng tôi mới nhớ là quên đem khẩu trang. Một phần đã lỡ không đem, lại thấy nhiều người trong tiệm không đeo khẩu trang và cô bán hàng trong tiệm nói không bắt buộc phải đeo, nên chúng tôi cũng đành không. Chúng tôi 4 người chia nhau ra mua đủ rau củ về nấu cơm và lựa được 3 loại trái cây: mít, vải và xoài. Vì mua cả thùng vải nên chúng tôi lựa hơi kỹ, phải đến thùng thứ hai mới vừa ý vì được loại vải Thiều vừa ngọt vừa hột nhỏ. Lúc đứng trả tiền tôi chợt thấy thùng vú sửa mới đem ra để gần quày tính tiền mà trên thùng có ghi tên “Chị Hường”. Hỏi ra mới biết cô chủ để dành mấy thùng vú sửa cho chị Hường khách quen nào đó. Sau khi biết tôi cũng tên Hường, cô chủ nói “Thôi thì chị lấy thùng này cũng được, em còn 2 thùng dành cho chị kia.” Bởi vậy, có lộc ăn là có thiệt. Sau khi cô chủ tính tiền xong, thấy xe chất đầy đồ nên anh Xẻn nói với cô chủ: “Lần nào cũng vậy, đến đây là mua nhiều vầy đó. Mệt ghê.” Cô chủ cười duyên đáp lại: “Anh mệt mà em vui.” Cả đám phá lên cười, anh Xẻn mặt đang mệt thiệt bỗng trở nên tươi rói. Vừa bước ra cửa, anh Xẻn vừa ngoảnh đầu lại ngỏn ngoẻn cười: “Bye bye, em gái.” Ra xe, cả đám tiếp tục chọc ghẹo anh Xẻn, hỏi anh Xẻn tại sao trong tiệm có hai cô gái trẻ thế, họ liên quan thế nào với nhau. Anh Xẻn ấp a ấp úng, nói cô này là “em chồng” cô kia, cô kia là “em…” của cô này, làm tụi này không hiểu gì chỉ phá lên cười. Tối đến kể chuyện cho chị Xẻn nghe, chị nói: “Đến tiệm đó là ổng như vậy đó. Cô chủ kêu mua là mua liền. Có khi mua cả thùng trái cây mà chỉ có hai người ăn…”
Khi từ chợ về nhà, tôi thấy ông xã tôi, anh Thế, Cô Vàng và chị Phụng ngồi nói chuyện gì đó có nhắc đến Thu Tịnh, hỏi ra mới biết Thu Tịnh có gọi cho anh Thế báo là có anh Lê Công Dũng, học chung lớp với chị Phụng cũng ở gần anh Xẻn, sẽ đến thăm hôm nay. Nghe nhắc tên Thu Tịnh, tôi cảm thấy ấm lòng, nhớ lại dự tính trong tương lai sẽ kéo Thu Tịnh qua thăm Ánh Nguyệt bên Úc.
Trong bếp các chị rộn ràng chuẩn bị nấu cơm chiều. Vì mấy ngày không có cơm, nên ai cũng thèm cơm. Với đủ rau cải và đồ biển nên các chị quyết định làm món canh chua tôm và cá muối xã chiên. Anh Xẻn thông báo Thầy Ngọc có gọi hỏi thăm và chúc mừng tụi mình đang có buổi họp mặt thế này. Một lát sau, anh Lê Công Dũng đến. Nhìn anh, tôi không nhận ra, có lẽ vì anh học khóa trên nên tôi không biết anh từ lúc học ở trường. Riêng anh thì anh nói là Facebook hàng ngày cứ đề nghị anh làm bạn với tôi, vì nhiều bạn Facebook của anh cũng là bạn Facebook của tôi. Dù sao, tôi cũng rất vui khi thấy anh rất khỏe mạnh và tươi trẻ. Anh có đem biếu một ít hột vịt lộn và hột gà lộn nên cả nhóm đề nghị tối nay sẽ thử món đó. Trong bếp, chúng tôi lăn xăn làm thức ăn, lớp nào gọt thơm, làm tôm nấu canh chua, làm cua, làm cá, bầm xã ớt ướp cá, lặt mít, gọt xoài. Kết quả là một nồi canh chua tôm nêm nếm đến tuyệt vời từ hai đầu bếp Phụng và Anh (vợ của anh Lợi). Món cua rang muối đậm đà hương vị. Món cá muối xã ớt cũng rất ngon vì cá tươi và được làm gọn gàng bằng nồi Air Fryer của Chị Xẻn. Ngoài anh Lê Công Dũng, chúng tôi còn có hai vị khách thượng hạng từ xa đến, đó là Cô Chú Hiếu. Cô Chú đã không quản ngại thời tiết mưa gió, đem đến cho chúng tôi một khay chim cúc đã ướp kiểu rô-ti, hai khay xà lách và dressing, và cả bánh mì để nướng với bơ. Bữa ăn dọn ra vô cùng thịnh soạn với đầy đủ hương vị Tây (chim cúc rô-ti) đến hương vị Ta (canh chua, cá muối xã, cua rang muối). Trước mặt đầy đủ quan khách, anh Lợi trịnh trọng giới thiệu hôm nay là ngày lễ hấp hôn của đôi trẻ Xẻn và Ta (vợ anh Xẻn). Để bắt đầu buổi lễ, đàng trai có anh Lễ "uốn éo" đi vào tay bưng khay rượu làm chúng tôi cười lăn lóc. Anh Lợi giới thiệu đàn gái đại diện bởi Cô Vàng. Cô đứng lên đáp lễ đàn trai. Sau cùng anh giới thiệu cặp uyên ương Xẻn-Ta, mặt tươi như không cần tưới, ra trình diện hai họ. Buổi lễ hấp hôn chấm dứt và chúng tôi bắt đầu cầm đũa, thưởng thức những món ăn tuyệt vời. Sau khi ăn, chúng tôi tiếp đãi quan khách hai họ món tráng miệng gồm trái vải, xoài và mít. Nhìn Cô Chú Hiếu ăn cơm ngon miệng, vui vẻ hàn huyên với thế hệ trẻ chúng tôi, chúng tôi cảm nhận thêm nỗi đậm đà của tình đồng hương qua buổi họp mặt này. Khi Trời bắt đầu nhẹ hạt mưa, chúng tôi đưa tiễn Cô Chú ra về với bao sự quyến luyến. Anh Lê Công Dũng nán ở lại để tiếp tục trò chuyện với Cô Vàng và tất cả bạn bè NLSBD. Khi nghe anh Dũng có thú vui là nuôi chim Công, Cô Vàng hỏi anh: “Cô nghe nói Dũng nuôi Công mà Công thức hay Công ngủ?” Cô hỏi nhanh quá và bị cả đám cười rần rần nên anh Dũng lúng túng, không kịp đỡ. Sau đó để cho hợp gu với mọi người, anh Dũng cũng bắt đầu kể chuyện tiếu lâm “kiểu đó” rồi anh Lễ cũng tham gia vào kể chuyện “kiểu đó” cho thêm phần thú vị.
Một lát sau, các anh Nghĩa, anh Lợi, anh Thế và ông xã tôi giúp anh Xẻn thay cái đồ cấm điện (electrical outlet) từ loại GFCI trở về loại không GFCI để dùng cho cái tủ Freezer. Nhìn các ông loay hoay làm mãi không xong, chị Xẻn cười nói: “Chắc phải sue mấy ông này, tại vì sửa có một việc mà đông người quá, gây stress cho tụi mình”. Cả đám ai cũng đồng ý, nhìn các anh lăn xăn, chỉ chỏ, mọi người ai cũng cười. Khi anh Dũng từ giã ra về, mọi người cảm ơn anh và căn dặn anh trở lại ngày mai. Tiếc là vì ai cũng còn no nên chưa thử được món hột gà hột vịt lộn anh đem đến. Hôm nay tuy bận rộn với nấu ăn và khách khứa nhưng mọi người đều thoải mái, vui vẻ. Riêng phần anh Xẻn, có lẽ anh rất vui khi được thêm tình bạn hữu với Cô Chú Hiếu và biết được bạn cũ Lê Công Dũng ở gần nhà mình.
Rạng sáng hôm sau, ngày 19 tây, trời mưa to gió lớn làm điện bị cúp khoảng 5 giờ sáng. Đến gần 7 giờ nhà có điện lại, chúng tôi lần lượt thức dậy. Vì giông bão lớn tối đêm qua, đồ đạc ngoài hiên nhà bị ngả đỗ tứ tung. Khi mọi người bên Hotel đến, anh Lễ kể lại đã phải đi detour vì con đường hàng ngày thường đi bị cây đỗ chắn lối. Sau khi ăn sáng, các anh chị ngồi quay quần binh xập xám và tán gẫu. Trời mưa lúc nặng lúc nhẹ rồi đột nhiên có ánh mặt trời le lói và bầu trời quang đảng trở lại. Vì ngày hôm sau sẽ bay về nên chúng tôi nhắc nhở nhau check-in chuyến bay để được chỗ ngồi tốt. Các anh chị bắt đầu bàn bạc chuyện đi ra ngoài vì trời đã bớt mưa. Có ý kiến đi Biloxi chơi vì bão hướng đó đã hết, có ý kiến đi Pensacola beach vì gần nhà. Sau cùng, mọi người đồng ý đi Pensacola beach cho gần, lỡ thời tiết thay đổi cũng còn về nhà được. Tất cả đồng ý đi chơi, ngoại trừ anh Thế bị sưng cái chân từ tối hôm qua, cô Thiên muốn ở nhà và ông xã tôi cũng muốn ở nhà. Hôm nay, anh Quang và anh Lễ đổi vai trò để anh Lễ lái xe và anh Quang phụ tá. Trên xe có hai cái GPS, một cái từ phone của tôi và một cái từ phone của Loan. Từ nhà anh Xẻn đến bãi biển Pensacola tuy không xa chỉ độ 30 phút, nhưng vì bãi ở ngoài một cái đảo nên xe phải đi qua chiếc cầu dài, hai bên là biển, tương tự như vùng Key West của Florida. Chúng tôi ngạc nhiên là đường ra đảo không thấy ướt, nhưng sóng hai bên đánh vào bờ còn rất mạnh báo hiệu dấu vết của bão còn đâu đây. Có lẽ lát nữa trời sẽ mưa to và chúng tôi không muốn bị mắc kẹt bên kia đảo nếu lỡ cảnh sát đóng chiếc cầu này không cho giao thông qua lại. Ra đến bãi, chỉ có một ít xe đậu thưa thớt trong bãi đậu, chúng tôi chọn một chỗ đậu gần nhất. Hầu hết chúng tôi xuống xe chỉ trừ anh chị Bạch Tuyết chọn ở lại trong xe. Xuống xe rồi chúng tôi mới hỡi ôi vì gió thổi mạnh vào từ biển, mang cát bay vào mắt, miệng, đầu tóc, quần áo. Dù sao đã ra đây nên cả nhóm can đảm tiến tới. Lúc đó biển rất ít người, tuy vẫn có người đứng trên bãi, đa số mọi người không xuống bãi. Chung quanh chúng tôi có đội ngũ life guard đứng sẵn sàng ra tín hiệu hoặc giúp đỡ người dân. Lá cờ đỏ bay phất phới trên bãi nhắc nhở tình hình biển rất nguy hiểm và nghiêm trọng. Chúng tôi chọn nơi đứng tốt nhất để chụp hình thấy được tháp nước có chữ Pensacola Beach rồi kéo nhau núp trong tòa nhà thủy tạ khi mưa bắt đầu nặng hột. Tình cờ núp mưa với chúng tôi có hai người Mỹ da trắng trẻ tuổi, một anh tốt bụng đến chụp dùm chúng tôi vài pô hình cho cả nhóm. Khi trời ngừng mưa được một lát, cả nhóm quyết định ra về vì không thể nào ở lâu và không biết làm gì trong tình hình thời tiết thế này. Lên xe, tôi chợt nghĩ Chị Bạch Tuyết quả là sáng suốt khi không xuống xe, với sức cát thổi mạnh như thế chắc chắn là không có lợi cho đôi mắt của chị.
Vì trời còn sớm, các anh chị đề nghị tìm nơi nào khác để đi chơi và cả nhóm đồng ý tìm shopping mall. Tôi tìm trên GPS thấy có mall Cordova gần đó và cũng trên đường về nên chúng tôi trực chỉ về hướng đó. Tính ra, chỉ có mấy ngày ở đây mà chúng tôi cũng hơi rành đường đi nước bước rồi đó. Trên xe các anh chị thấy đói bụng nên bắt đầu ăn thức ăn gói theo từ sáng. Loan mời mọi người bánh ngọt của Loan đem qua từ Austin. Tôi và Loan chung sức chỉ đường cho hai anh Lễ-Quang chạy đến mall. Cứ mỗi lần tôi kêu lên tên đường thì Loan lập lại to hơn cho hai anh phía trước nghe, hai chị em kêu qua kêu lại giống như đoàn bán thuốc Sơn Đông ở quê. Mọi người cười hả hê với hai chị em. Loan làm thật tốt khiến tôi phải khen: “Sao mà tiếng mình rao lên thì nghe già mà tiếng echo lại sao nghe trẻ vậy ta.” Hai chị em cứ thế mà hướng dẫn hai anh phía trước cho đến khi chúng tôi đến được mall và tìm chổ đậu ngay trước tiệm Dillards. Mọi người vào tiệm và hẹn 5 giờ sẽ gặp lại tại địa điểm này để ra về, rồi chia nhau thành từng nhóm nhỏ đi shopping thoải mái. Tôi đi chung với anh chị Lợi và anh chị Nghĩa Phụng, chúng tôi nhắm vào quần áo của phái nữ ở dưới lầu rồi lên tầng trên xem tiếp. Kết quả chiến lợi phẩm là chị Phụng mua được một chiếc áo đầm rất đẹp, tôi mua được môt cái áo thun giá phải chăng. Lúc đó cũng gần 5 giờ nên chúng tôi xuống lầu đến gian hàng mỹ phẩm để xem. Qua tất cả gian hàng hiệu mắc tiền, tôi thấy các chị không có ý mua sắm, hỏi qua mới biết Chị Phụng và Chị Anh xài mỹ phẩm hiệu “Con gái”, nghĩa là con gái của các chị mua và chọn lọc mỹ phẩm cho các chị dùng chứ các chị không phải tự tìm mua. Bây giờ tôi mới biết có con gái là sướng thế đấy. Sau cùng, tôi giới thiệu với các chị sản phẩm của Mỹ hiệu Mario Badescu, rất tốt và giá phải chăng. Chúng tôi mua một vài loại dưỡng da của hiệu này và cũng may gặp được người bán dễ thương tặng chúng tôi một ít hàng mẫu đem về. Khi đó các anh chị khác cũng đã tề tựu đông đủ ở cửa. Chúng tôi lên xe trực chỉ về nhà để chuẩn bị bữa cơm chiều.
Thực đơn cho bữa cơm ngày cuối của chuyến họp mặt lần này cũng hấp dẫn, gồm có hột vịt hột gà lộn ăn với rau răm, canh mướp với tôm, tôm rim mặn và bánh phở xào đồ biển. Cô Vàng sẽ ra tay hướng dẫn chúng tôi làm những món này. Khi về từ Mall, chúng tôi đã thấy bốn trái mướp dài và to được xung công từ vườn của Dì Sáu. Chúng tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm, mỗi người cầm hai trái mướp. Quang cảnh bếp chiều nay trông giống như một lớp học gia chánh, chỉ có một điều lạ là các học trò đã lên chức bà nội, bà ngoại hết rồi. Tối nay, chị Tú xắt mướp để nấu canh, Lâm, Chị Linh, Cô Vàng và tôi xúm lại làm tôm. Lâm cũng gở phần bánh phở đem theo từ Houston để sẵn cho Cô Vàng làm món xào đồ biển. Với thành phần nhà bếp hùng mạnh như vậy, bữa cơm diễn ra thật thân tình, êm ái, ngon miệng. Vừa ăn, tôi vừa thầm nghĩ, ngày mai chúng tôi đã phải chia tay các Cô và các anh chị. Những ngày chung sống vừa qua thật gần gũi, gần gũi đến mức chúng tôi quên mất sẽ có ngày phải chia tay, ai về nhà nấy. Ăn uống dọn dẹp xong, các chị bày biện trái cây ra tráng miệng, lần này chúng tôi được thử qua vú sửa Florida. Tôi gói phần vú sửa của mình lại, định bụng sẽ đem về Houston để còn nhớ hương vị của kỳ họp mặt này. Một lát sau, anh Lợi tuyên bố buổi họp đúc kết tài chánh sẽ bắt đầu. Mở đầu buổi họp, anh thay mặt tất cả cảm ơn anh chị Xẻn đã tạo cơ hội và điều kiện cho anh em chúng tôi gặp gỡ, chung sống với nhau trong thời gian vừa qua. Tôi tiếp lời anh Lợi, cảm ơn sự hy sinh của anh chị Xẻn, nhất là chị Xẻn đã tiếp đón và đối đãi với mọi người như anh chị em trong nhà. Sự hy sinh của anh chị Xẻn làm chúng tôi ai cũng cảm kích, tấm chân tình mà anh chị Xẻn đối với chúng tôi sẽ không bao giờ quên được. Sau lời cảm ơn anh chị Xẻn, chúng tôi đề cập đến những dự định trong tương lai. Với mục đích duy trì sợi dây liên lạc cho Hội NLSBD, Hội sẽ nghiên cứu kế hoạch tổ chức những buổi họp mặt ngắn hạn dựa trên những yếu tố an toàn cho sức khỏe, địa điểm, thời gian và phương tiện.
Cuối cùng thời khắc chia tay đã đến, các anh chị sẽ về ngày mai nói lời chia tay với các bạn còn ở lại. Chúng tôi sẽ quay về Houston ngày mai, 20 tây, trong khi anh Lễ và Lâm cũng rời cùng ngày nhưng sẽ đem theo Cô Vàng, Cô Thiên, Chị Sinh, Chị Tú tiếp tục cuộc du hành đến Denver. Nhóm của anh chị Thế, anh chị Nghĩa Phụng, Loan và anh chị Lợi sẽ nán lại đến thứ hai, ngày 21 tây mới rời Pensacola.
Sáng hôm sau, chúng tôi thức sớm đi cùng anh Thế, anh Lợi, anh Xẻn lúc 7 giờ sáng đến Hotel. Từ đó anh Lợi sẽ lái chiếc xe van lớn chở các anh chị bên Hotel ra phi trường để trả chiếc xe van tại đó. Chúng tôi sẽ theo anh Thế và anh Xẻn ra phi trường bằng xe truck của anh Xẻn. Sau đó hai anh Thế-Lợi sẽ cùng anh Xẻn trở về nhà.
Sau khi check in ở phi trường, nhóm đi Denver ngồi chờ máy bay ở cùng một cổng với chúng tôi. Đến giờ bay, tạm biệt các Cô và các anh chị, chúng tôi bồi hồi nhưng vui vì đã hoàn tất được một chuyến đi hoàn hảo, đầy kỷ niệm, đầy tiếng cười với những bữa cơm ấm áp, những chia xẻ thân tình của mọi người tham gia chuyến đi này.
Về đến nhà một lát, tôi text cho Loan biết Amazon vừa báo cáo quà cho anh chị Xẻn đã đến nhà. Loan đang đi chơi ngoài phố với các anh chị khác, vội nhắn về cho chị Xẻn ra cổng lấy quà. Đến chiều Loan gởi vài tấm hình chụp tất cả mọi người với món quà trên bàn. Đó là chiếc nồi dùng cho nấu lẫu và nướng thịt. Hy vọng anh chị Xẻn sẽ dùng chiếc nồi này thường xuyên để nhớ đến kỷ niệm họp mặt của chúng tôi. Loan cũng gởi một số hình ảnh đi thăm viếng nơi triển lãm ở một bến tàu và hình ảnh bửa cơm chiều có món Oyster nướng.
Đến xế chiều, anh Lễ cho hay nhóm về Denver đã đến nơi bình yên và hiện đang đi chợ nấu cơm chiều. Ngày hôm sau, tin tức từ nhóm về Cali cho biết tất cả đã về đến nơi đến chốn tuy có vài chuyến bay hơi trễ. Như vậy cuộc hành trình Pensacola đã được kết thúc một cách tốt đẹp.
Vài ngày sau, anh Lễ gởi đến tôi vài hình ảnh anh và Lâm đưa hai Cô và hai chị đi thăm Chùa Từ Vân, tượng đài chiến sĩ, cầu treo Royal Gorge nối liền hai đỉnh núi tại Canon City và Colorado. Cũng có tấm hình mọi người đến thăm chị Dương Thị Bạch Tuyết, khóa 8 NLS Bảo Lộc.
Đến hôm nay tôi và ông xã vẫn còn nhắc những câu chuyện vui và những kỷ niệm của chuyến đi. Hy vọng dư âm của chuyến đi này sẽ còn vang vọng mãi để sẽ trở thành động lực cho chúng ta nhớ về nhau và cùng hướng về những điều gì tốt đẹp nhất. Cầu chúc tất cả chúng ta luôn được khỏe mạnh và bình yên, để một ngày nào đó khi cơ hội chín mùi, chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau đồng hành trong chuyến du hành kế tiếp.
Thân ái và hẹn ngày tái ngộ.