
Tôi là dân Mục Súc.
Tôi phải biết nuôi gà.
Đó là một thí dụ cho bài học về tam đoạn luận, lớp 12 Triết của thầy Tân mà tôi nhớ hoài, nhớ mãi cho đến tận hôm nay dù thời gian đã trôi qua gần nửa thế kỷ. Đối với các bạn cùng lớp thì chuyện nuôi heo, nuôi thỏ , nuôi gà thì là chuyện nhỏ. Nhưng đối với tôi thì… trần ai khoai củ. Nói thì nói vậy chứ số tôi luôn có quới nhân phò hộ. "Mèo mù vớ cá rán". Trong đời tôi phải … nuôi gà hai lần. Tôi nói “phải” là gì đó là bổn phận. Mà bổn phận có nghĩa là làm và làm - không thể nào từ chối được.
Từ khi thay chiếc áo trắng để mặc vào chiếc áo nâu, cuộc đời của tôi – bé thì chăng còn bé mà lớn thì chăng phải lớn – đã đổi thay một cái rụp. Nhanh, nhanh lắm. Nhanh đến nổi mà tôi còn ú ớ nhưng mà thấy thích thú, dễ chịu. Những bỡ ngỡ ban đầu khi phải rời thành phố nhộn nhịp Saigon để về sống nơi êm ã an bình Chợ Búng đất Thủ, rồi cũng qua đi. Những lo sợ khi phải xa gia đình để sống chung với một đám bạn cùng lứa nơi nhà trọ rồi cũng phai mờ theo ngày tháng. Còn về các môn học thì cũng có vài môn là lạ. Ngoài những môn học phổ thông còn có các môn như Canh Nông cuả Cô Hải, Lâm học của Thầy Dương, Mục Súc của Thầy Ngọc, Thầy Lộc, và đặc biệt là môn Thực Hành Nông Trại của Thầy Thiên, Cô Bắp. Môn Thực Hành Nông Trại là môn đặc biệt vì là môn dạy cho chúng tôi những sinh hoạt thường ngày của những nông dân chân lấm tay bùn, chịu đựng nắng sớm mưa chiều ngoài đồng, hay chăm sóc gia súc trong nông trại. Một ngày rất đẹp trời, Thầy Thiên, Cô Bắp tập họp tất cả các học viên lại:
- Hôm nay Thầy Cô báo tin cho các em biết, tuần tới chúng mình bắt đầu chương trình “Thực hành tại gia”. Các em có thể chọn nuôi bất cứ gia súc nào như vịt, gà, heo, thỏ… tại nơi mình ở. Nuôi heo, nuôi thỏ thì ít nhất là hai con, còn nuôi gà, nuôi vịt thì ít nhất là mười con.
Và đây là lần thứ nhất tôi… nuôi gà.
Tôi đâu có sự chọn lựa nào khác ngoài chọn nuôi gà. Nuôi heo thì chuồng trại phải lớn, nhiều vốn. Tôi đang ở trọ nên không khả thi. Nuôi vịt thì mùi hôi lông vịt, sức mấy mà đám bạn trọ và nhất là Dì Bảy chủ nhà trọ chấp thuận. Nuôi thỏ thì chịu, tôi chưa bao giờ thấy thỏ ngoài đời, chỉ thấy qua hình ảnh. Hồi giờ chỉ sống trong thành phố thì làm gì thấy thỏ, biết thỏ.
Chọn nuôi gà là sự lựa chọn đúng nhất!
Rồi thì phải bắt đầu từ đâu, làm gì? Việc đầu tiên là phải xin Dì Bảy cho một khoảng đất nhỏ cuối sân để đặt chuồng gà. Vừa mới mở miệng là Dì Bảy đã hiểu ý. Chắc kinh nghiệm cho học trò NLS ở trọ thời gian qua, Dì đã không lạ gì chuyện chăn nuôi tại gia của đám Mục Súc như tôi. Chỗ để chuồng đã có. Giờ đến chuyện đóng chuồng. Biết chỗ nào mà lấy cây, lấy gỗ. Mà phải đóng làm sao để ra cái chuồng. Đang đau cái đầu thì các quới nhân xuất hiện. Thằng Dũng, Ẩn, Nghĩa, Nhung, Nhơn kéo đến với đầy đủ các thứ. Nào là nẹp gỗ, nào là tre, nào là búa, cưa, đinh… hầm là lằng. Nói chung không thiếu một món gì. Và chỉ một buổi chiều là tôi có một cài chuồng dư sức nuôi mười con gà. Có chuồng rồi, gà đâu? Đừng lo, đã có Lê thanh Kỳ, con chủ trại gà thứ thiệt. Vài ngày sau nó đem đến cho tôi mười con gà con hạng nhất. Và cũng chính nó là nhà cung cấp đủ loại thuốc chủng gà từ nhỏ cho đến lớn. Thực phẩm nuôi gà thì thằng Nhơn và thằng Nghĩa lo. Cứ mỗi đầu tuần là một bao thực phẩm được chở đến. Tưởng là phải gặp nhiều khó khăn nhưng không ngờ là mọi chuyện điều suôn sẻ - quá suôn sẻ - làm tôi tưởng mình như đang trong mơ. Tôi biết mà. Số mình có quới nhân phò hộ… và phò hộ dài dài. Một hôm nọ, Thầy Thiên, Cô Bắp cho nghỉ ở nhà, khỏi cần đến lớp thực hành nông trại. Quá đả! Gió mát hiu hiu, tôi lên gác đánh một giấc dài sướng ơi là sướng. Đang thả hồn theo mộng đẹp thì có tiếng réo của Dì Bảy:
- Thế ơi, có Cô lại coi chuồng gà, xuống mau!
Tôi xỏ nhanh cái quần dài, xọc cái áo, vội vàng phóng xuống. Vừa xuống khỏi cầu thang thì thấy Cô Bắp và chị Phụng đang đứng cạnh chuồng gà chỉ chỏ ra chiều đắc ý. Tôi vừa đến gần, Cô Bắp đã khen nức nở:
- Chuồng trại sạch sẽ, tươm tất. Gà trông khỏe mạnh. Tốt lắm. Cô có lời khen. Ráng giử như vậy. Cô cho 18 điểm.
Tôi đực người ra, miệng cứ lấp la lấp bắp:
- Cảm ơn Cô.
Cô Bắp và chị Phụng ra về rồi mà tôi vẩn còn ngơ ngẩn. Cô Bắp có biết đâu, trước đó vài giờ, tôi đã bị Dì Bảy dủa thảm thiết:
- Mầy làm biếng quá. Nuôi gà mà không chịu vệ sinh dọn dẹp, thúi kinh khủng, thúi không ai chịu được. Mầy mà không dọn là tao cho tụi nhỏ tháo gỡ chuồng, còn mấy con gà mầy muốn đem đi đâu thì đem đi. Tao không cho nuôi nữa. Lịnh tối hậu đã ban. Tôi phải nhắm mắt, bịt mũi, xịt nước chùi rửa, tẩy quế. Rồi cũng xong. Đừ người. Bởi vậy vừa phóng lên gác là tôi đã thả hồn vào mộng. Trong cái rủi cũng có cái may. Nhờ vậy mà lần đầu tiên – cũng là lần cuối - tôi được 18 điểm môn thực hành nông trại. "Mèo mù vớ cá rán". Từ đó tôi bắt đầu tin vào số mệnh – số hên thì đi đâu cũng tai qua nạn khỏi. Gần gáp Tết thì đàn gà đã lớn và đã tới dịp xuất chuồng. Nhà chăn nuôi chuyên nghiệp chưa chắc gì hay hơn tôi. Mười con còn đủ mười con – không mất một con. Mà con nào cũng no tròn mạnh khỏe. Chắc nhờ thuốc men của thằng Kỳ và nhờ thực phẩm hổn hợp của thằng Nhơn, thằng Nghĩa. Tôi không bán mà chia cho các bạn làm thịt ăn nhậu trong dịp cuối năm trước khi các bạn về nhà ăn Tết. Riêng tôi, tôi chọn một cặp bảnh nhất về khoe Ba Mẹ. Ba Mẹ tôi hảnh diện lắm đi khoe cùng bà con hàng xóm:
- Thằng Thế nó học trường Nông Lâm Súc ở trên Bình Dương. Gà nó nuôi nè, thấy mà mê.
Tôi có dịp nở mũi. Tết năm đó thiệt là vui…
Khi lên lớp 11, Thầy Thiên, Cô Bắp hướng dẫn chúng tôi thành lập đoàn Nông Gia Tương Lai. Cũng xin nhắc lại một chút về đoàn Nông Gia Tương Lai. Là nơi hội tụ của một nhóm học viên cùng chia sẻ những kinh nghiệm chăn nuôi cũng như học hỏi phương cách điều hành quản lý trong tiêu chí - Học để làm, Làm để học, Tạo tiền để sống, Sống để phụng sự. Lớp tôi chia làm 2 đoàn. Đoàn chúng tôi có tên là đoàn Nông Gia Tương Lai “Thiện Chí”. Tôi được sự tín nhiệm của các bạn trong đoàn để được thay mặt trông coi. Đoàn thứ hai với sự chăm sóc của Thành già, cũng còn được gọi là Thành gobel. Đoàn Thành già chọn nuôi heo. Đoàn chúng tôi nuôi 500 con gà thịt. Khu vườn nhà Chị Ánh khá rộng và chính Chị đã xin phép gia đình cho chúng tôi một khoảng đất nhỏ để dựng chuồng trại và trồng rau muống phụ thêm vào thực phẩm hổn hợp nuôi gà. Phải thành thật mà nói, tất cả mọi chuyện từ việc làm chuồng đến việc trồng trọt rau muống, cho gà ăn, vệ sinh chuồng trại, đều do các Chị Thắm , Chị Ánh, Chị Phụng , Chị Sương và nhiều Chị nữa, đã bỏ công khó nhọc trông coi. Bọn con trai chúng tôi toàn là dân thành phố nên… chẳng biết chi - chỉ chạy vòng ngoài… Bọn thằng Ẩn, Nhung, Nghĩa, Nhơn có nhiệm vụ cung cấp thực phẩm hổn hợp hàng tuần. Còn tôi thì chỉ có nhiện vụ … đứng ngó và … uống nước giếng. Trước nhà Chị Ánh có một giếng nước rất độc đáo. Thành giếng cao hơn mặt đất khoảng một thước mà nước thì tràn ra khỏi miêng thành liên tục, nên chỉ cần khom lưng một chút là những ngụm nước trong và mát từ từ trôi vào cổ họng, thật ngon và thật … đả. Bọn chúng tôi mỗi lần có dịp vào coi chuồng gà điều ghé làm một bụng. Rồi môt hôm, thấy có một số gà hơi buồn buồn, các Chị đề nghị xuất trại. Dĩ nhiên bọn con trai chúng tôi đồng ý. Lần nầy mới thấy sự giỏi dang của các Chị. Các Chị đã liên lạc với mối lái ở chợ Bình Tây trong Chợ Lớn và hai bên đã đồng thuận giá cả. Cũng một tay các Chị mướn những chiếc xe lam để giao gà. Bọn con trai chúng tôi chỉ có việc chất gà lên xe và … hộ tống. Việc buôn bán lúc đầu thì cũng gặp nhiều gian truân bởi vì mối lái ép giá nhưng rồi mọi sự cũng qua. Lần nầy không phải nhờ quới nhân phò hộ mà nhờ các Chị. Các Chị chẳng những là nhà kinh doanh số một mà còn là nhà ngoại giao xuất sắc. Một bông hồng cho các Chị dẫu có muộn màng, xin các Chị nhận cho. Trong vụ nuôi gà nầy, có một bí mật mà chỉ có ngũ quỷ - Sơn, Ẩn, Nghiã, Nhơn và tôi - biết mà thôi. Sống để bụng, chết mang theo. Vậy mà hơn 40 năm sau, khi mà thằng Nghiã bắt được liên lạc với Chị Thắm, Chị đã kể vanh vách chuyện … ăn cắp gà thô bỉ … của bọn tôi. Hôm đó, từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, chúng tôi không có lớp. Sơn và Ẩn thèm ăn cháo gà, nên ngũ quỷ bèn lên kế hoạch. Sơn ở nhà lo nấu nước sôi. Ẩn chở tôi, Nhơn chở Nghiã trên hai chiếc Honda, giả vờ thăm chuồng gà rồi dùng chiến thuật dương đông kít tây. Tôi và Ẩn sẽ dụ Chị Ánh ra vườn trồng rau muống, Nghiã sẽ ra tay bắt gà trong khi Nhơn đậu xe đợi ngoài cổng. Nhưng khi đến nơi thì tôi và Ẩn thấy Chị Ánh, Chị Thắm đứng trước chuồng gà đang chỉ chỏ gì đó. Rồi thì tôi và Ẩn cũng dụ được Chị Ánh và Chị Thắm ra vườn trồng rau muống. Rồi thì thằng Nghiã cũng đã bắt gà thành công. Hôm đó bọn chúng tôi có một bữa tiệc cháo gà ngon như chưa bao giờ ngon thế. Thịt gà vừa thơm, vừa dai. Hơn hẳn gà đi bộ ở vùng Bolsa nầy. Tô cháo nóng lại có một chút cay cay của tiêu, một chút mùi thơm của hành ngò, trộn lẫn với mùi hăng hăng của mấy cọng rau răm. Thật tuyệt! Tưởng không ai biết được chuyện làm ăn bất chính nầy. Nào Ngờ. Chị Thắm nói:
- Tôi thấy hết. Nhưng tôi không muốn làm cho mấy ông quê nên tôi im lặng cho tới ngày hôm nay.
Hôm gần đây gặp tôi, Nghiã có nhắc lại chuyện nầy:
- Chị Thắm nhắc chuyện ăn cắp gà làm tôi quê quá. Cũng tại các ông lớn đầu xúi dại. Tôi với Nhơn lúc đó nhỏ xíu có biết gì đâu.
Cảm ơn Chị Thắm. Cảm ơn tấm lòng vị tha quảng đại cuả Chị. Bây giờ Chị nhắc lại, làm tôi cũng hơi …quê. Quê nhưng mà quề rồi nhen Chị. Hôm nào Chị ghé qua Cali, tôi đải Chị môt chầu cháo gà đền tội.
Tôi đúng là dân Mục Súc phải không các bạn? Qua hai lần nuôi gà, với những kinh nghiệm đầy mình như vậy mà giờ đây đành phải … về vườn. Tất cả không qua số mệnh. Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao. Than ôi thờì vàng son nuôi gà - nay còn đâu!!!
Phạm văn Thế (MS2)