Cô Trịnh Thị Kiêm Loan (áo dài hoa) và con gái chụp chung với lớp Canh Nông 2, niên khóa 70-73, nhân dịp cấm trại Tất Niên 1970, ở sân trường.
Hàng đầu (ngồi, từ trái qua phải): Đoàn, Trần Thị Hường, Ngô Thị Chính, Trần Thị Huỳnh Em, Lại Thị Thạnh, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Phan Thị Xửng (đứng)
Hàng kế (đứng, từ trái qua phải, chỉ nhớ tên 6 anh): Cô Loan và con gái, Ngọc Ảnh, Toản, Minh Trí (tay vịn nón), Trí (vổ tay), Vượng (áo trắng), Chế Mến (đeo hoa trên áo, hát giống Chế Linh).
Hàng sau cùng (đứng, từ trái qua phải, chỉ nhớ tên 4 anh): Song (trưởng lớp, kế cô Loan), Toàn (kế Song), Gái (giữa Trí và Vượng), Hoán (đội nón rơm, đứng sau Vượng).

 

Năm 1971, tôi xin làm giáo sư tư nhân dạy giờ tại trường Trung Học Nông Lâm Súc Bình Dương. Lúc đó hiệu trưởng của trường là Kỹ Sư Huỳnh Kim Ngọc, người rất dễ mến.

Ngày đầu tiên bưóc vào lớp 10, tôi bỡ ngỡ và ngại ngùng vì các em lớn quá và tôi chỉ quen dạy các em gái 12 tuổi trở xuống ở trường Tiểu Học tôi đang dạy lúc đó. Từ thuở nhỏ tôi chỉ học trường con gái, kể cả ở Trung Học Gia Long nơi mà dĩ nhiên toàn là con gái, cho đến khi học ở Hội Việt  Mỹ tôi mới học chung với phái nam. Khi dạy học tôi cũng dạy trường con gái, bạn đồng nghiệp chỉ toàn là phái nữ như mình. Tôi muốn ngợp thở khi nhìn các nam sinh, rồi nhớ lúc còn đi dạy ở trường Tiểu Học Bến Súc (Thanh Tuyền). Khi tôi gọi tên một nam sinh, lúc em đứng lên tôi giật mình vì em lớn quá, lý do là ở nhà quê học sinh đi học trễ nên các em có thể quá lớp tuổi của trường Tiểu Học.

Hôm sau một thầy giáo dạy chung trường bảo tôi, “Thằng Bờ trong lớp cô, nó không đi học nữa. Nó nói với tôi, tôi như vầy mà cổ gọi tôi là em”. Tôi nghĩ tôi phải già hơn em Bờ nên tôi cười rồi nói, "Thầy Bảy bảo nó đi học lại đi, tôi phải lớn tuổi hơn nó chứ.’’ Nhưng nó cương quyết không trở lại. Cuối tuần tôi về nhà, Ba tôi buộc tôi phải thôi dạy vì Bến Súc thuộc vùng hẻo lánh, rất nguy hiểm. Thế là chấm dứt vai trò cô giáo làng ngắn ngủi, rồi sau đó tôi thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm.

Trở lại ngày đầu tiên ở trường Nông Lâm Súc, sau khi làm quen với các em tôi bắt đầu giảng bài và lần lần lấy lại bình tĩnh. Đa số các em rất ngoan, vả lại ngày đầu các em cũng chưa quen tôi nên lớp học rất là im lặng… Các em gái thì phần đông rụt rè ít nói. Tôi có dạy các lớp 8 và 9, học sinh nhỏ hơn nhiều nên tôi cũng lần lần dạn dĩ ra.

Khi quen rồi, các em thường hay đến nhà tôi vào buổi trưa, đôi lúc cùng gia đình tôi ăn cơm trưa. Các em thường đến là Nguyễn Hữu Nhân, Hồ Minh Mỹ, Vĩnh Lân, Lê Kim Thành, Đỗ Thường Sơn. Em Nguyễn Quang Thái học lớp 11, sinh ngữ chính là Pháp văn và em học ban Canh Nông. Em thường đến nhà tôi một mình và thỉnh thoảng đến vào cuối tuần. Thấy các con tôi thích đọc sách, em mang sách hoạt họa tiếng Pháp như Lucky Luke, Tintin và Smurf cho các con tôi. Em kể chuyện riêng của em cho tôi nghe và buồn lắm. Tôi khuyên lơn và an ủi em. Sau 1975 thỉnh thoảng em vẫn đến thăm tôi. Khi em cưới vợ, tôi có đến chung vui cùng gia đình em. Nhưng sau đó có lẽ bận kế sinh nhai, tôi mất liên lạc với em. Hôm đi dự họp mặt, tôi hy vọng sẽ có người biết tin tức em, nhưng tôi hoàn toàn thất vọng vì không ai biết cả.

Năm 2008 khi tôi về Việt Nam, nhờ cô Bạch Thị Vàng nhắn tin nên các em đến thăm rất đông. Thầy trò cùng nhau đi uống ‘’café‘’. Mấy đứa con gái nhìn tôi có phần ngạc nhiên. Một em nói, ‘’Hồi đó cô nhỏ thó, rất mignonne…‘’ Em ngừng ở đó và tôi biết em muốn nói, “bây giờ cô phát tướng quá‘’. Hơn 30 năm xa cách giờ gặp lại, thầy thì đã già, các em thì đã trưởng thành và thành gia thất, con cái cũng đã lớn. Các em rất chính chắn và nhiều em cũng rất thành công. Tôi lại hỏi thăm tin tức Nguyễn Quang Thái, nhưng cũng không ai biết.

Thỉnh thoảng tôi vẫn liên lạc với Lê Kim Thành, em của Thầy Lê Trung Hưng, cựu Hiệu Trưởng trường Cộng Đồng, sát bên trường Nông Lâm Súc Bình Dương. Năm nào tôi đã quên rồi, tình cờ tìm được số điện thoại của con gái tôi, Thành xin số điện thoại tôi và hỏi địa chỉ. Rồi một buổi sáng cuối tuần Thành cùng một người bạn đến nhà tôi. Thành cười và hỏi tôi còn nhớ em không. Tôi tự hỏi, Lê Kim Thành đây sao? Lê Kim Thành tóc trổ nâu vì dang nắng nhiều lúc còn đi học, bây giờ là một người đàn ông trung niên, chính chắn đây sao? Lê Kim Thành mà tôi từng nhéo lỗ tai trong lớp học lúc em liếng khỉ hoặc phạm lỗi khi làm bài trong lớp đây sao? Tôi mừng rỡ nhưng cảm thấy hụt hẫng. Cái khoảng thời gian 20 năm thầy trò không gặp nhau, nay thầy đã già còn trò là một người đàn ông làm chủ một gia đình 3 con đây. Thầy trò hàn huyên thật là vui vẻ nhưng tôi vẫn bâng khuâng. Tôi thật cảm động khi em đi từ San Jose đến thăm tôi. Lúc đó, tôi thấy mình đã chọn đúng nghề, và nghề giáo không là một nghề bạc bẽo như người khác nói. Qua lời Thành tôi được biết Vĩnh Lân đã qua đời. Thật buồn. Thành cũng đã giúp đỡ vợ con Vĩnh Lân rất nhiều sau khi Lân qua đời. Tình bạn của em cũng thật thắm thiết.

Rồi mấy tháng trước Cô Bạch Thị Vàng báo cho tôi biết sẽ có buổi họp mặt Nông Lâm Súc ở Arlington, Texas. Các em Lưu Xẻn, Nguyễn Thị Hồng và Trần Ngọc Phú gọi cho tôi biết ngày giờ cũng như địa điểm buổi họp mặt. Tôi ghi trong lịch để nhớ mà đi dự. Tôi nôn nao vui mừng, mình sẽ gặp ai đây? Các em nói trước sẽ có Thầy Vương Thế Đức, Cô Trần Thị Nữ, Thầy Huỳnh Kim Ngọc và nhiều Thầy Cô khác nữa.

Thấm thoát ngày họp mặt đã đến. Tôi hồi hộp bước vào Nông Trại của Lưu Xẻn. Tôi vô cùng lúng túng vì các em mời ký tên, ký vào danh sách, ký vào áo kỷ niệm, và có cả máy quay phim. Khi lấy lại bình tĩnh tôi hỏi Cô Vàng, Thầy Đức ngồi ở đâu. Tôi dặn các em đừng chỉ để tôi xem có nhìn ra không. Té ra tôi nhìn không ra, có lẽ vì vẫn chưa thật sự bình tĩnh, vì tuổi già, hoặc vì Cô Vàng, Thầy Đức cũng có thay đổi. Thầy Đức trắng ra, chắc nhờ khí hậu Canada tốt và gia đình vui vẻ nên Thầy Đức có thay đổi một chút với thời gian. Tôi được đưa vào chỗ ngồi, tình cờ ngồi kế bên Xuân Mai, một trong những em học trò ưu tú của Trường Nữ Châu Thành ngày xưa, và là vợ của Thầy Đức. Sau khi nói chuyện với em vài câu, tay bắt mặt mừng, tôi đi từng bàn để chào hỏi từng người, vẫn còn rất bỡ ngỡ. Trong các em học sinh, có hai em mà tôi có thể nhìn ra ngay, đó là Lê Kỳ Hiệp và Lê Minh Mẫn. Hiệp là anh em chú bác với ông xã tôi, chúng tôi vẫn thỉnh thoảng gặp nhau trong những chuyến đi chơi ở California mà em là người rất sốt sắng đưa chúng tôi thăm các nơi. Còn em Lê Minh Mẫn, thoạt đầu tôi không nhớ, nhưng khi em nói tên, nghe giọng nói, cách nói chuyện của em, tôi nhớ ra ngay. Em vẫn nhỏ thó, gương mặt không chút thay đổi, duy có tóc đã bạc nhiều. Em Mẫn là một trong số những học sinh ngoan hiền, ít nói. Tôi lần lần nhớ ra hai Thầy Huỳnh Văn Công và Đặng Tấn Lung. Lúc xưa, tôi không biết nhiều các Thầy Cô, chỉ biết tên, biết môn dạy của một số các bạn đồng nghiệp. Vì tôi dạy giờ, không tham gia nhiều vào công tác hoặc hội họp của trường, thường thì khi dạy xong tôi vội vã về đi dạy ở Trường Nữ Châu Thành. Quen nhiều nhất là Cô Bạch Thị Vàng, Cô Yến, Cô Trịnh Tú Thùy, Thầy Vương Thế Đức, thuở đó là láng giềng của tôi. Các em của Thầy Đức lại là học sinh Trường Nữ Châu Thành. Tôi cũng biết các Thầy Nguyễn Viết Huyền, Trần Tấn Miêng, Bùi Châu Dương, Nguyễn Văn Quít, Nguyễn Tấn Lộc, Thầy Tân dạy Triết và Pháp văn. Tất cả đều là những người rất dễ mến. Năm 1984, tôi đến Thái Lan chờ đi định cư ở Mỹ, trong lúc chờ làm thủ tục ở trại chuyển tiếp tôi có gặp Thầy Trịnh Xuân Tài. Thầy vượt biên và cũng đã được nhận đi Úc Châu. Nghe Thầy Huỳnh Kim Ngọc nói hiện Thầy Tài sức khỏe không khá lắm. Cô Vàng nói Cô Thùy bị bịnh Parkinson. Còn Cô Yến, người bạn đồng nghiệp và cũng là người chị, tuy nghiêm khắc với học sinh nhưng cũng rất thương học sinh và có óc khôi hài. Tôi còn nhớ chị trêu Thầy Quít về giọng Huế của Thầy. Chị nói Thầy Quít mà đọc chính tả thì các em học sinh sẽ viết sai. Thay vì đọc, “Các thú rừng như hùm, beo, tây tượng, chấm chấm, xuống hàng”, các em học sinh nghe là, “Các thú rừng như hùm, beo, tây tượng chậm chậm xuống hang.”

Tháng 9 năm 1974 tôi đi tu nghiệp ở Pénang, Mã Lai, khi mãn khóa về lại Việt Nam thì miền Nam đã mất. Thế là chấm dứt gần 3 năm dạy học ở trường Nông Lâm Súc, tuy ngắn ngủi nhưng đầy thương yêu gắn bó. Tôi vẫn nhớ thương các em Nông Lâm Súc của tôi. Nay được họp mặt ở xứ người, tôi thấy các em rất giỏi, tổ chức buổi họp rất chu đáo dưới sự hướng dẫn và ý kiến của một số Thầy Cô. Mọi người đi dự họp mặt đều được tặng một áo kỷ niệm, một bức ảnh cổng trường Nông Lâm Súc, đặc biệt mỗi Thầy Cô được tặng một bảng kỷ niệm đóng khuôn. Thật cảm động khi đọc hàng chữ “Kính dâng Thầy/Cô, với niềm tri ân trong truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo và Uống Nước Nhớ Nguồn”. Ôi, cảm động biết bao!

Năm 2008 tôi về Việt Nam lần đầu sau 24 năm xa cách, đi ngang qua trường xưa, tôi không thấy tấm bảng tên trường đó nữa, mà bây giờ trường đã đổi tên, tên gì tôi quên rồi. Thật là vật đổi sao dời. Thật xa lạ, đúng như lời Lê Kỳ Hiệp nói với tôi, “lạc lối trên quê hương”. Người xưa thường nói, “cảnh cũ còn đó mà người xưa không còn”, bây giờ thì cả cảnh cũ lẫn người xưa đều không còn nữa.

Trở lại buổi họp mặt, tình cờ ngày đó cũng là ngày kỷ niệm 45 năm thành hôn của Thầy Huỳnh Kim Ngọc và phu nhân. Các em đã có quà kỷ niệm, bánh, và hoa cho Thầy và Cô Ngọc. Thật cảm động và dễ thương. Một điều thích thú nữa là, hiền thê của Thầy Huỳnh Văn Công đã nhận được nụ hôn đằm thắm và một cành hoa của chồng khi Cô lên hát giúp vui. Điệu hát rất hay, giọng ca trong trẻo và thánh thót khiến tôi thích quá. Sau khi Cô hát xong, tôi nói chuyện với Cô thì được biết Cô cũng tham gia các buổi họp mặt của trường Phan Thanh Giản, tỉnh Sa Đéc, được tổ chức tại nơi vợ chồng Cô đang cư ngụ, và Cô cũng rất tích cực góp vui. Bổng nhiên tôi như được khuyến khích, trở nên bạo dạn, lên đóng góp một bài tiếng Pháp “Chevaliers de la Table Ronde”. Lúng túng và hồi họp đã khiến tôi quên đầu quên đuôi, thật là ngượng ngùng! Các em học sinh và một số ca sĩ địa phương đã hát thật nhiều và thật điêu luyện. Em Chung Thanh Tú  và một em nữa tôi đã quên tên rồi, hát nhiều, vui nhộn và rất xuất sắc. Lưu Xẻn thổi harmonica hay quá, do đó tôi bỗng nhiên bỏ tánh rụt rè cũng lên múa riều qua mắt thợ, rồi vì lúng túng mà hát đứt đoạn. Bài hát không trọn vẹn nhưng về nhà suy nghĩ lại cũng thấy vui vui.

Trong dịp họp mặt nầy, tôi được nói chuyện với em Lang, người Bình Dưong, chị vợ của Thầy Nguyễn Kim Long dạy Toán ở trường Bồ Đề ngày xưa. Hầu hết các anh chị em của Lang ở California, tôi có đến thăm gia đình lúc bà Chín còn tại thế. Gặp lại người đồng hương ở xứ người thật là quý báu vô cùng, nhứt là hồi đó nhà em Lang ở trên đường đi đến trường Nữ Châu Thành mà tôi đi ngang qua mỗi ngày. Chúng tôi tâm tình, thăm hỏi gia đình với nhau, thật là cảm động.

Lúc cháu tôi đến để đón tôi trở về khách sạn, tôi chưa muốn rời chân, lòng còn rất nhiều lưu luyến. Ai cũng vui vẻ, cuộc họp mặt đã mang đến cho tất cả mọi người những kỷ niệm êm đềm ở trường xưa. Tiếc là hôm sau tôi không được ở lại để cùng mọi người đi Houston và Austin. Tiếc là không được nói chuyện với Cô Vàng nhiều hơn, người bạn trẻ tuổi hơn tôi, rất dễ mến, rất hiếu khách và thương học trò. Lúc còn ở Bình Dương thỉnh thoảng Cô mời vào nhà ăn uống, có chị Yến, Thầy Linh và nhiều người xưa, vui nhất là có Thầy Khanh, vui vẻ, chân thật.

Về đến nhà, lòng tôi còn lâng lâng cảm động, quên mất cảm giác tội lỗi khi bỏ đức lang quân của mình cho con và đám cháu ngoại chăm sóc trong lúc mình vắng nhà.

Thật khó quên! Rất cảm ơn ý kiến thành lập Hội và tổ chức họp mặt của quý Thầy Cô và các em học sinh.

Fort Smith, Một mùa hè rất đặc biệt với cái nóng kinh hoàng chưa từng có kể từ khi đến Hoa Kỳ.

Trịnh Thị Kiêm Loan