Tờ lịch cuối cùng trong năm đã rơi xuống. Thoang thoảng hương xuân trong làn gió đông muộn màng đưa tới. Năm cũ đang dần trôi qua và năm mới sắp đến.
 
Cuối tuần, thành phố LA bỗng có những cơn mưa thật lớn, thật dai dẳng. Không đi đâu được đành chỉ ngồi trong nhà, nhìn qua khung cửa sổ mà ngắm từng giọt mưa rơi để nghe long buồn da diết. Đầu óc lại vẩn vơ quay về với những mùa mưa của thời niên thiếu – cái thời ăn không no, lo không tới. Ôi đẹp làm sao với cái tuổi vô tư chưa biết ưu phiền lo lắng. Hễ thấy mưa là như lân thấy pháo. Tắm mưa - Không gì sướng bằng. Nhất là lúc cùng lũ bạn chia ra làm hai phe để liệng bùn vào nhau rồi cười hê hả, rồi cùng rủ nhau phóng mình xuống dòng sông nhỏ bơi đùa thỏa thích. Khi lớn lên một chút. Khi khoác lên người chiếc áo nâu cũng là lúc bắt đầu biết mơ mộng, bắt đầu biết theo em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa, để đêm về thao thức tập làm thơ. Trong giờ thực hành nông trại mà mưa trút xuống thì thật… khỏi phải cuốc đất, khỏi phải đẩy xe phân bón cỏ. Cứ ngồi ở trong nhà kho chứa nông cụ cùng đám bạn đấu láo thật đả. Những cơn mưa xuân ngày xưa đã đem đến niềm vui cho mọi người, mọi nhà. Cho cây trái sum sê để kịp chưng trong ba ngày tết. Cho hoa thêm sắc thắm chào đón xuân sang. Còn bây giờ, nơi chốn quê hương xa xôi, mưa không còn là những ao ước, chào đón mà là những lo âu sợ hãi. Mỗi lần mưa xuống là mỗi lần nước lại được xã từ những đập thủy điện quái ác. Đủ để tàn phá mùa màng, nhà cửa, cướp đi bao sinh mệnh của người dân hiền hòa vô tội. Cả những thành phố lớn Sài Gòn, Hà Nội cũng không khá hơn. Những con đường đã biến thành những dòng sông đầy rác rến thối tha dơ bẩn. Ôi những dòng sông quê hương với những đau thương chỉ mình người dân gánh chịu… Dù sao thì xuân vẫn đến. Vẫn phải dang tay ôm nàng xuân vào lòng. Vẫn phải vui tươi để đón chào năm mới và thầm cầu mong mọi sự sẽ tốt đẹp trong những tháng ngày sắp tới.
 
Hiện tại bao giờ cũng làm cho mình ray rức. Chỉ có quá khứ là nơi chốn quay về. Một danh nhân nào đó đã nói - Trẻ thì sống cho hiện tại còn già thì sống cho quá khứ. Mình thì cũng đã già rồi nên khi nhìn tấm ảnh hợp mặt đầu năm bên nhà, mình đã thấy một cảm giác thật êm ái dễ chịu. Mình đã thấy đâu đó những gương mặt thân quen của Thầy Cô, Bạn hữu. Cô Bắp nè – sao không thấy Thầy Thiên? - Thầy Sương nè, và nhiều Thầy Cô mình không nhớ tên, nhớ mặt. Có những Thầy Cô mình chưa gặp mặt lần nào nhưng sự tôn kính vẩn chan chứa trong lòng. Bởi vì tất cả cùng đến với nhau bằng tình yêu thương chân thật, Như một lần mình gặp Thầy Vương Thế Đức trong buổi hợp mặt năm rồi. Dẫu chỉ là lần đầu gặp nhau mà như có cái gì đó gắn bó từ lâu. Những lời thăm hỏi, những tâm sự giản dị, thoải mái bên những chai nước suối, chất chứa một chút tình Thầy Trò, một chút tình Anh Em cùng chung mái trường NLS. Mình cũng đã thấy được anh chàng Long ngày đó. Nay xem ra cũng có một chút da thịt, cường tráng, mặc dù tuổi đời chắc không dưới sáu bó. Chị Kim Xuân thì vẫn sắc nước hương trời như xưa. Một thời để mê và một thời để ngất ngư của những áo nâu không phải chỉ trong lớp mà phải nói là toàn trường. Chị Vui thì cũng chẳng thay đổi mấy. Vẫn nụ cười tươi thắm lúc nào cũng nở trên môi. Hình như ở chị, không có bất cứ chuyện gì làm chị buồn phiền.Thấy chị Vui là vui rồi. Chắc có nhiều bạn khác nữa mà mình không nhìn ra bởi vì dù sao thì mình cũng bắt đầu lú lẩn. Mong các bạn thứ lỗi. Nơi đây cũng xin được  tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục đến các bạn, các anh chị em ở bên nhà như Thụy Chi, Nguyễn Văn Hồng, Quách Ngọc Lan… đã tiếp tay với các anh chị em này như Trần Văn Hai, cặp Phạm Văn Nghĩa, Nguyễn Thị Phụng, Lưu Xẻn, Trần ngọc Phú, Trần Đình Thảo… và còn nhiều nữa. Các bạn đã bỏ nhiều thì giờ và công sức để nối được một vòng tay lớn - Thầy Cô, bạn hữu trong và ngoài nước. Sợi dây liên kết đó thành hình từ những tấm lòng chân thật, không quản ngại khó khăn, và sức chịu khó bền bỉ hiếm có.
 
Năm con Khỉ sắp qua. Năm con Gà sắp đến. Xin được mượn nơi đây để gởi lời kính chúc đến Thầy Cô, đến tất cả những chiếc áo nâu ở quê nhà hay còn đang lưu lạc nơi xứ người một năm thật nhiều Sức Khỏe, Bình An, và Hạnh Phúc. 
 
Phạm Văn Thế (MS2)